Thành phố Hồ Chí Minh "cấm cửa" thịt lợn không có thông tin truy xuất

Thành phố Hồ Chí Minh "cấm cửa" thịt lợn không có thông tin truy xuất
Theo đó, UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Tư pháp, Sở Công Thương, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố hỗ trợ hai Công ty quản lý chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền khẩn trương xây dựng kế hoạch kiểm soát và giám sát mặt hàng thịt lợn, thực hiện kể từ ngày 16/10/2017, kiên quyết không cho phép thịt lợn không đeo vòng nhận diện và không có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc theo quy định của Đề án nhập chợ.
Lợn bị tiêm thuốc an thần chờ giết mổ tại cơ sở giết mổ Xuyên Á do Đoàn công tác liên ngành gồm Thanh tra Bộ, Cục Thú y, Cục C49 (Bộ Công an), Chi Cục Thú y Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt quả tang 2 nhân viên của cơ sở giết mổ Xuyên Á, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh đang bơm thuốc an thần vào lợn để giết mổ trong đêm 28/9/2017. Để đảm bảo sức khỏa của người tiêu dùng, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu tiêu hủy toàn bộ số lợn này. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Lợn bị tiêm thuốc an thần chờ giết mổ tại cơ sở giết mổ Xuyên Á do Đoàn công tác liên ngành gồm Thanh tra Bộ, Cục Thú y, Cục C49 (Bộ Công an), Chi Cục Thú y Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt quả tang 2 nhân viên của cơ sở giết mổ Xuyên Á, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh đang bơm thuốc an thần vào lợn để giết mổ trong đêm 28/9/2017. Để đảm bảo sức khỏa của người tiêu dùng, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu tiêu hủy toàn bộ số lợn này. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN


Bên cạnh đó, giao Chi cục Quản lý thị trường, Công an Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường phối hợp với Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An và các cơ quan chức năng thành phố, địa phương liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp thu mua, kinh doanh lợn không có đăng ký kinh doanh, không thực hiện nghĩa vụ thuế, hóa đơn, chứng từ không hợp lệ. Đặc biệt, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, bơm nước vào lợn.
Các sở, ngành liên quan và Ban quản lý hai chợ đầu mối tăng cường đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Đề án, tiếp tục tập trung vận động các đối tượng thương nhân, tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại hai chợ đầu mối. Nghiên cứu các giải pháp xử lý trường hợp thương nhân cố tình không tuân thủ quy định của Đề án.
Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục hỗ trợ 50% chi phí mua vòng nhận diện cho các hộ nông dân chăn nuôi lợn nhỏ lẻ đã đăng ký tham gia Đề án, có thực hiện đeo vòng nhận diện cho heo và kích hoạt đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, hỗ trợ 100% chi phí nêu trên cho các tổ hợp tác, hợp tác xã đến hết ngày 31/12/2017.
Người tiêu dùng ở Thành phố Hồ Chí Minh có thể chủ động truy xuất nguồn gốc thịt heo (lợn), thịt và trứng gia cầm. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN
Người tiêu dùng ở Thành phố Hồ Chí Minh có thể chủ động truy xuất nguồn gốc thịt heo (lợn), thịt và trứng gia cầm. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN


Chủ trương thực hiện việc quản lý và truy xuất nguồn gốc thực phẩm của Thành phố Hồ Chí Minh là xu thế phát triển tất yếu của xã hội, cần tích cực thực hiện để đảm bảo hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho người dân.  

Thành phố Hồ Chí Minh đi đầu thí điểm thực hiện Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn nên chắc chắn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do vậy, UBND thành phố đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan cần kiên trì, nỗ lực tổ chức triển khai thực hiện, tăng cường thông tin, tuyên truyền đầy đủ để người tiêu dùng và các chủ thể tham gia vào chuỗi chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh thịt lợn nhận thức đúng đắn về mục đích, ý nghĩa của Đề án, từ đó tích cực ủng hộ và hưởng ứng tham gia, tự giác thực hiện./.
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm