Nhiều giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường ở Cà Mau

Nhiều giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường ở Cà Mau
Toàn tỉnh Cà Mau hiện có hàng ngàn cơ sở sản xuất liên quan đến việc xử lý nước thải, chất thải. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh quản lý gần 50 doanh nghiệp có nhà máy với quy mô sản xuất lớn tại địa phương, chủ yếu sản xuất chế biến tôm xuất khẩu, đầu vỏ tôm, bột tôm, bột cá; tập trung phần lớn ở các khu, cụm công nghiệp như Hòa Trung (huyện Cái Nước và huyện Đầm Dơi), Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) và phường 8 (thành phố Cà Mau).
Rác thải không tập kết đúng nơi quy định mà vô tư xả ngay xuống dòng sông. Ảnh : Huỳnh Thế Anh - TTXVN
Rác thải không tập kết đúng nơi quy định mà vô tư xả ngay xuống dòng sông. Ảnh : Huỳnh Thế Anh - TTXVN
Để xử lý các nhà máy trực tiếp xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, trước khi tiến hành kiểm tra cơ sở có dấu hiệu vi phạm, cơ quan chức năng phải thu thập đầy đủ về tang chứng, vật chứng. Khó khăn lớn nhất lực lượng kiểm tra gặp phải đó là chủ cơ sở thiếu hợp tác, có biểu hiện đối phó với cơ quan chức năng. Điều này gây khó khăn, áp lực lớn đối với lực lượng thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực quản lý bảo vệ môi trường,ông Hưng cho biết. Hầu hết các doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau đều đã đầu tư xây dựng hạ tầng, hệ thống xử lý nước của nhà máy, song một số doanh nghiệp "phớt lờ" những quy định nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường, hoặc bỏ qua khâu vận hành xử lý nước thải đảm bảo đúng quy chuẩn, an toàn trước khi thải ra sông, rạch. Do đó, việc cá chết đột ngột và tôm nuôi bị thiệt hại ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, ngoài nhân nhân do môi trường còn có nguyên nhân ô nhiễm nguồn nước trên các tuyến sông, rạch. Nhiều cơ sở chế biến thủy sản quy mô nhỏ, do không xây dựng hệ thống xử lý nước thải nên mặc nhiên xả thải ra môi trường. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau, trên địa bàn tỉnh có hơn 20 cơ sở thuộc diện xử lý triệt để gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ -TTg, ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 4 doanh nghiệp đã khắc phục xong ô nhiễm, được cấp có thẩm quyền chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các cơ sở còn lại đang trong quá trình bổ sung hoặc đầu tư xây dựng mới hệ thống xử lý nước thải cho nhà máy. Riêng 3 doanh nghiệp tư nhân có cơ sở sơ chế đầu vỏ tôm gây ô nhiễm môi trường cũng đã ngưng hoạt động.  Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử phạt các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, tỉnh Cà Mau đã phê duyệt đề án thành lập Tổ tự quản về bảo vệ môi trường nhằm tăng cường việc tham gia giám sát của cộng đồng đối với việc xả thải của các cơ sở công nghiệp trên địa bàn. Hiện nay, tỉnh đã thành lập được một Tổ tự quản về bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp Hòa Trung, huyện Cái Nước và chuẩn bị thành lập 2 Tổ tự quản tại khu công nghiệp Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời để người dân cùng với chính quyền giám sát việc xả thải của các doanh nghiệp. Ông Trịnh Văn Lên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau cho biết, một số doanh nghiệp chưa xây dựng hoàn thành hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quy định, cơ quan chức năng tỉnh yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện xử lý triệt để ô nhiễm môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ kiểm tra đột xuất tại các cơ sở, nếu phát hiện vẫn còn hoạt động vi phạm sẽ đề xuất UBND tỉnh đình chỉ và tạm ngưng hoạt động.
Nhà máy xử lý rác thải đã giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động tại địa phương. Ảnh: Huỳnh Thế Anh - TTXVN
Nhà máy xử lý rác thải đã giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động tại địa phương. Ảnh: Huỳnh Thế Anh - TTXVN
Đồng thời, tỉnh tiếp tục đầu tư, nâng cao năng lực quan trắc và cảnh báo môi trường, áp dụng các biện pháp công nghệ để kiểm soát quá trình xả thải của doanh nghiệp. Ngoài 4 trạm quan trắc đặt tại khu vực thành phố Cà Mau và khu công nghiệp Hòa Trung thuộc huyện Đầm Dơi và huyện Cái Nước, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đang tiến hành khảo sát lắp đặt thêm 2 trạm quan trắc tại huyện Phú Tân và huyện Trần Văn Thời để quan trắc mặt nước phục vụ cho nuôi trồng thủy sản tập trung. Về biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Cà Mau, ông Trịnh Văn Lên kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện giải pháp nạo vét cải thiện ô nhiễm trên tuyến sông Cà Mau, nhất là đoạn sông từ cầu Gành Hào đến Cảng cá Cà Mau đang bị bồi lắng bởi rác thải, gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe người dân trong khu vực. Thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh các hình thức tuyên tuyền, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức người dân, doanh nghiệp trong thực hiện công tác bảo vệ môi trường; đồng thời tăng cường phối hợp kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm xả thải gây ô nhiễm môi trường. Giải pháp lâu dài, Cà Mau xây dựng chiến lược và quy hoạch bảo vệ môi trường. Theo đó, tỉnh chọn khâu đột phá là quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải được chuẩn hóa về không gian, phân khu chức năng, đầu tư đầy đủ và đồng bộ hạ tầng bảo vệ môi trường.
Kim Há

Có thể bạn quan tâm