Nghĩa Đảng - tình dân trong Cách mạng tháng Tám

Nghĩa Đảng - tình dân trong Cách mạng tháng Tám
Nghĩa Đảng - tình dân trong Cách mạng tháng Tám ảnh 1
Nhân dân Thủ đô vùng lên giành chính quyền trong những ngày Cách mạng tháng Tám sôi sục. Ảnh: Tư liệu

Lịch sử đã có thêm một mốc son kỳ diệu trong giờ phút cả dân tộc triệu người như một, từ trong đêm dài nô lệ, nhất tề vùng dậy “đốt cháy cả dãy Trường sơn” để giành cho được độc lập. Trong lịch sử mấy ngàn năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chưa có một cuộc tổng khởi nghĩa nào qui tụ được lòng dân, phát huy được sức mạnh của cả dân tộc, chớp thời cơ để giành thắng lợi mau lẹ như cách mạng tháng Tám. Hơn 70 năm dưới ngọn cờ của cách mạng tháng Tám, dân tộc ta đã kinh qua biết bao gian khổ hy sinh quyết giữ vững thành quả của cách mạng tháng Tám, cũng chính là vì tinh thần đại nghĩa của cuộc cách mạng đó luôn tỏa sáng lòng dân, khiến nhân loại tiến bộ khâm phục, làm kẻ thù phải khiếp sợ. 

Nhiều học giả, sử gia, các nhà lý luận chính trị trong và ngoài nước đã phân tích, đánh giá, nhìn nhận cuộc cách mạng dưới nhiều góc độ của nhiều ngành khoa học khác nhau nhưng đều thống nhất rằng, đó là một cuộc cách mạng dân chủ nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức và lãnh đạo để xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân. Trong bối cảnh lịch sử lúc đó, nhân dân Việt Nam từ Bắc chí Nam, từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến miền núi đều hiểu rằng, chỉ có những người cộng sản mới đủ tài năng, đạo đức, phẩm chất tổ chức nhân dân làm cách mạng. 

Quân dân Thủ đô Hà Nội đánh chiếm Phủ Khâm sai ngay sau Lễ Mít tinh ngày 19/8/1945. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Quân dân Thủ đô Hà Nội đánh chiếm Phủ Khâm sai ngay sau Lễ Mít tinh ngày 19/8/1945. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Bởi vì, mỗi người đảng viên Cộng sản tự học tập, rèn luyện mình trong con đường đấu tranh cách mạng để trở thành tấm gương mẫu mực cho quần chúng noi theo. Do vây, sứ mệnh tổ chức và lãnh đạo cuộc cách mạng đã được lịch sử giao phó cho những người đảng viên cộng sản. Và chính họ đã làm tròn sự ủy thác của lịch sử, làm cho cuộc cách mạng thật sự xuất phát từ lòng dân, là cuộc cách mạng của nhân dân, vì nhân dân. Thực hiện đúng nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lenin “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. 

Đánh giá, phân tích về cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945 sẽ còn tiếp diễn hàng ngàn năm sau. Đó là bài học lịch sử vô giá về một cuộc cách mạng vì phẩm giá con người, là nghệ thuật chỉ đạo tổng khởi nghĩa giành chính quyền, là vấn đề xây dựng và bảo vệ nhà nước dân chủ nhân dân non trẻ trước thù trong giặc ngoài…Và quan trọng hơn hết là lực lượng tổ chức và lãnh đạo cuộc cách mạng đó – Đảng cộng sản Việt Nam chỉ với hơn 5.000 đảng viên. 
Ngày nay, trong mỗi trang văn, trong từng câu chuyện kể được lưu truyền về những đảng viên lão thành, những người đã trực tiếp vận động, giác ngộ và tổ chức quần chúng tham gia cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 khiến chúng ta xiết bao xúc động. Lớp cán bộ lão thành cách mạng ấy mãi mãi là tấm gương sáng ngời về lòng yêu dân, yêu nước, về tinh thần tiên phong của người cộng sản. 

Ngày 19/8/1945, hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường kéo về quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội dự cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng, hưởng ứng cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Ngày 19/8/1945, hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường kéo về quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội dự cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng, hưởng ứng cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đức tính hy sinh, chịu đựng gian khổ, một lòng “dĩ công vi thượng” của 5.000 đảng viên lớp tiền bối là 5.000 ngọn đuốc soi đường, là 5.000 tấm gương dũng liệt đối với 25 triệu đồng bào đang bị rên xiết dưới ách áp bức của thực dân, phong kiến. Chính vì vậy, nhân dân đã tự giác đứng vào hàng ngũ do những người đảng viên cộng sản tổ chức, dìu dắt đi trên còn đường đấu tranh giành lại tự do, độc lập cho đất nước, giành lại quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc cho mỗi người dân trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8/1945. 

Nghĩa Đảng, tình dân từ cuộc cách mạng tháng Tám mùa thu ấy mãi mãi là một giá trị nhân văn tuyệt đỉnh về sự yêu thương, gắn bó, đùm bọc của nhân dân với Đảng; đồng thời minh chứng một cách sinh động về sức mạnh của quần chúng nhân dân trở thành vô địch khi có một đảng tiên phong tổ chức và lãnh đạo để tiến hành cách mạng dân chủ nhân dân. Sống trong lòng dân, hành động vì nhân dân, Đảng được nhân dân che chở, nuôi dưỡng, đùm bọc, sự gắn bó máu thịt ấy đã tạo nên sức mạnh gấp ngàn lần. Biết bao quần chúng yêu nước dù chịu đầu rơi máu chảy trước quân thù nhưng quyết một lòng bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng. Đảng và dân đã thực sự chung trái tim, khối óc trên con đường đấu tranh cách mạng do Đảng lãnh đạo. 

Ngày 19/8/1945, hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường kéo về quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội dự cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng, hưởng ứng cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Ngày 19/8/1945, hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường kéo về quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội dự cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng, hưởng ứng cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Chính vì vậy, chính quyền sinh ra trong cuộc cách mạng tháng Tám là chính quyền của dân, do dân và vì dân. Những người trong bộ máy lãnh đạo chính quyền cách mạng ấy ngay từ giây phút đầu tiên đã là “công bộc” của nhân dân. Đó không chỉ là cội nguồn sức mạnh để dân tộc ta bước vào cuộc trường chinh 30 năm làm nên những chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, thống nhất non sông; mà còn là nền tảng quốc gia vững chắc để dân tộc đi tiếp con đường đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. 

Đó chính là tinh thần bất diệt, là sức sống trường tồn của cách mạng tháng Tám.

Có thể bạn quan tâm