Cần giải pháp đồng bộ và cụ thể cho kế hoạch phát triển 500.000 doanh nghiệp

Cần giải pháp đồng bộ và cụ thể cho kế hoạch phát triển 500.000 doanh nghiệp
Theo ông Lê Thanh Liêm, kế hoạch phát triển 500.000 doanh nghiệp đến năm 2020 của Thành phố Hồ Chí Minh đã được HĐND, UBND và các sở, ban ngành đồng thuận và ủng hộ. Tuy nhiên, để mục tiêu phát triển doanh nghiệp không chỉ chạy theo số lượng mà mang lại hiệu quả kinh tế thực chất, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra các giải pháp chiến lược; trong đó, tập trung vào việc cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.    

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

Bà Trần Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng thành phố cho rằng, để hoàn thành mục tiêu phát triển doanh nghiệp cần có giải pháp đồng bộ giữa việc thúc đẩy các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hiện hữu và hỗ trợ các hộ kinh doanh chuyển đổi sang doanh nghiệp. Cụ thể, phải tích cực tuyên truyền lợi ích của việc chuyển đổi mô hình để khuyến khích các hộ kinh doanh; đồng thời, có chính sách hỗ trợ, tư vấn về thủ tục thành lập doanh nghiệp, thủ tục kê khai thuế cũng như hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm của doanh nghiệp.    

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN
Cùng quan điểm, ông Lê Duy Minh, Phó Cục trưởng Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Cục Thuế Thành phố đang tích cực tuyên truyền về lợi ích của việc chuyển đổi mô hình kinh doanh từ hộ cá thể thành doanh nghiệp. Trong đó, nêu rõ, khi hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp thì hoạt động kinh doanh sẽ minh bạch hơn, thể hiện cụ thể qua sổ sách kế toán, kê khai hóa đơn, chứng từ… Từ đó giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín của mình để có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh và giao dịch với những đối tác chất lượng hơn. Khi thành lập doanh nghiệp thì giá trị pháp lý của các giao dịch cũng sẽ cao hơn so với hộ kinh doanh, từ đó giảm thiểu các rủi ro trong quá trình hoạt động. Song song với việc tuyên truyền, Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã cho ra mắt chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp mới thành lập và doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh với nhiều chính sách ưu đãi thiết thực.    

Ông Lưu Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND  quận 1 cho biết, trên địa bàn quận hiện có 18.000 doanh nghiệp và 15.000 hộ kinh doanh cá thể. Thực hiện mục tiêu chuyển đổi 2.300 hộ kinh doanh sang doanh nghiệp trong năm 2017 và 7.000 hộ kinh doanh từ nay đến năm 2020, UBND quận đã chỉ đạo điều tra, khảo sát thông tin của các hộ kinh doanh ngành nghề ăn uống, khách sạn, may mặc... nhằm tuyên truyền, khuyến khích các hộ chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp. Đối với những hộ kinh doanh đã chuyển đổi sang doanh nghiệp, UBND quận tiến hành tập huấn kỹ năng doanh nhân và thông tin các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, các chương trình kích cầu, cho vay ưu đãi nhằm giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển bền vững.    

Riêng về kế hoạch phát triển 60.000 doanh nghiệp trong năm 2017, ông Lê Thanh Liêm cho biết, đây là con số hoàn toàn có thể thực hiện được; trong đó, số doanh nghiệp phát triển tự nhiên theo nhu cầu thực tế ước tính đạt 43.000 doanh nghiệp, còn lại UBND thành phố giao chỉ tiêu chuyển đổi 20.000 hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp cho các quận, huyện, tùy theo tình hình thực tế của mỗi địa phương.

Ông Lê Thanh Liêm cũng đề nghị các quận, huyện có kế hoạch và giải pháp thực hiện cụ thể, định kỳ hàng năm báo cáo tiến độ thực hiện, những khó khăn vướng mắc về UBND thành phố để có hướng tháo gỡ kịp thời.
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm