Các Thượng nghị sĩ Mỹ đề nghị bãi bỏ quy định mới về cung cấp cá da trơn

Các Thượng nghị sĩ Mỹ đề nghị bãi bỏ quy định mới về cung cấp cá da trơn

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn nguồn tin từ Quốc hội Mỹ cho biết nghị quyết trên được hai Thượng nghị sĩ McCain và Ayotte đồng bảo trợ và phù hợp với Luật Giám sát của Quốc hội, theo đó các nhà lập pháp nước này có thể phủ quyết mọi quyết định hành pháp của một cơ quan liên bang, giống như USDA, sau khi một nghị quyết được chính thức công bố và đệ trình lên Quốc hội Mỹ. Nếu nghị quyết trên được phê chuẩn thành luật, văn kiện này sẽ cho phép xóa bỏ các qui định mới trong Chương trình Giám sát cá da trơn của USDA. 

Trong ảnh (tư liệu): Thượng nghị sĩ John McCain (giữa) trả lời phỏng vấn sau cuộc họp tại Washington, DC ngày 10/11. AFP/TTXVN
Trong ảnh (tư liệu): Thượng nghị sĩ John McCain (giữa) trả lời phỏng vấn sau cuộc họp tại Washington, DC ngày 10/11. AFP/TTXVN

Trong một tuyên bố chung, hai thượng nghị sĩ trên nhấn mạnh: “Chúng tôi tự hào khi tiếp tục đấu tranh để xóa bỏ các qui định giám sát cá da trơn của USDA vì đó là hành động lãng phí tiền thuế của người dân và là một ví dụ điển hình của chủ nghĩa bảo hộ thị trường trong nước”. Hai ông cho biết Chính quyền Tổng thống Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma) áp dụng chương trình trên bất chấp thực tế là Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã thực hiện các qui định về giám sát mặt hàng hải sản và Văn phòng Giải trình trách nhiệm của chính phủ (GAO) nhiều lần cảnh báo rằng Chương trình Giám sát cá da trơn của USDA sẽ lãng phí, trùng lặp và sẽ châm ngòi cho hành động đáp trả từ phía các đối tác thương mại châu Á-Thái Bình Dương nhằm vào các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Mỹ. 

Trước đó, Thượng nghị sĩ McCain và Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen (Gin-nơ Sa-hin) cho rằng người đóng thuế tại Mỹ sẽ bị “móc túi” khoảng 15 triệu USD/năm vì chính phủ liên bang áp đặt các rào cản đối với việc nhập khẩu cá da trơn, đẩy giá mặt hàng thủy sản này lên cao, gây bất lợi cho người tiêu dùng, các nhà hàng cũng như các nhà chế biến hải sản trong nước. Theo các nhà lập pháp Mỹ, mục đích thật sự của Chương trình Giám sát cá da trơn là dựng lên một rào cản thương mại đối với các nhà xuất khẩu cá da trơn nước ngoài vì lợi ích của các nhà chế biến hải sản tại một số bang miền Nam nước Mỹ. 

Trong ảnh (tư liệu): Thượng nghị sĩ Kelly Ayotte (giữa) trong cuộc họp báo sau cuộc họp tại Washington, DC ngày 10/11. AFP/TTXVN
 Trong ảnh (tư liệu): Thượng nghị sĩ Kelly Ayotte (giữa) trong cuộc họp báo sau cuộc họp tại Washington, DC ngày 10/11. AFP/TTXVN


USDA hôm 26/11 vừa qua thông báo các quy định mới dự kiến bắt đầu có hiệu lực từ tháng 3/2016 và sẽ được triển khai từng bước trong hơn 18 tháng tiếp theo, qua đó cho phép các nhà cung cấp cá da trơn nước ngoài có thời gian thực hiện những điều chỉnh cần thiết để có thể đáp ứng những yêu cầu của USDA. Cơ quan này sẽ đảm nhận việc kiểm tra, giám sát thường xuyên hơn, thậm chí hàng ngày, trực tiếp tại các cơ sở nuôi trồng và nhà máy chế biến cá da trơn, thay vì các cuộc giám sát và kiểm tra ngẫu nhiên do FDA tiến hành như hiện nay. Trong giai đoạn 18 tháng chuyển tiếp, các nhà cung cấp nước ngoài muốn xuất khẩu cá da trơn đến Mỹ sẽ phải trải qua các cuộc kiểm tra và lấy mẫu ít nhất là hàng quý do Cục Thanh tra an toàn và vệ sinh thực phẩm (FSIS) của USDA tiến hành. FSIS cam kết sẽ từng bước giới thiệu và triển khai chương trình thanh tra mới nhằm đảm bảo ngành sản xuất cá da trơn trong nước và các đối tác quốc tế nắm kiến thức đầy đủ về những yêu cầu của FSIS. 

Quy định mới này được các chuyên gia nhìn nhận sẽ tác động tới các nhà cung cấp nước ngoài cũng như các nhà sản xuất của Mỹ./.

Có thể bạn quan tâm