10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2015 do TTXVN bình chọn

10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2015 do TTXVN bình chọn
Quang cảnh Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVI. Ảnh: TTXVN
Quang cảnh Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVI.
Ảnh: TTXVN

1. Đại hội Đảng các cấp thành công tốt đẹp: Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm, Đại hội Đảng bộ các cấp đã thành công tốt đẹp. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, xác định phương hướng nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế -xã hội, bầu ban chấp hành nhiệm kỳ 2015-2020 và là tiền đề quan trọng để tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Hùng Cá, Thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp). Ảnh: TTXVN
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Hùng Cá, Thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp). Ảnh: TTXVN
 

2. Tăng trưởng GDP cao nhất trong 5 năm qua: Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn khó khăn, tăng trưởng GDP cả nước vẫn đạt trên 6,6%, cao nhất trong 5 năm qua và cao hơn mức 6,2% do Quốc hội đề ra; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp (0,63%); an sinh xã hội nhìn chung được bảo đảm. Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô chưa ổn định vững chắc; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; cân đối ngân sách còn khó khăn; nợ công tăng; tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt như mong muốn.

Lễ diễu binh diễu hành kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2015). Ảnh: TTXVN
Lễ diễu binh diễu hành kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2015). Ảnh: TTXVN

3. Đất nước kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn: Năm 2015, nước ta kỷ niệm nhiều ngày lễ trọng đại: 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2); 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5); 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9; 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4)… Các hoạt động này đã một lần nữa khơi dậy niềm tự hào, ý chí độc lập dân tộc, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển.

Các đại biểu dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) chụp ảnh chung. Ảnh: TTXVN
Các đại biểu dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) chụp ảnh chung. Ảnh: TTXVN

4. Việt Nam tổ chức thành công Đại hội đồng IPU-132: Với Tuyên bố Hà Nội “Các mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015: Biến lời nói thành hành động”, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) do Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức, đã thể hiện vai trò chủ động, tích cực và trách nhiệm của nghị viện các nước; đồng thời khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng (bên phải) và Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán TPP họp báo chung kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Thương mại 12 nước thành viên tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), diễn ra ở thành phố Atlanta (Mỹ). Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng (bên phải) và Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán TPP họp báo chung kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Thương mại 12 nước thành viên tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), diễn ra ở thành phố Atlanta (Mỹ).
Ảnh: TTXVN

5. Hội nhập kinh tế quốc tế sôi động: Việt Nam kết thúc đàm phán 4 hiệp định tự do thương mại (FTA) với Liên minh kinh tế Á-Âu, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và các đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đưa tổng số các FTA mà Việt Nam tham gia lên 14. Đặc biệt, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành từ ngày 31/12/2015 sẽ tạo thêm cơ hội cho Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Cầu Nhật Tân (Hà Nội) - một trong ba cây cầu có số nhịp dây văng lớn nhất thế giới, với thiết kế gồm 5 trụ tháp, tượng trưng cho 5 cửa ô của Hà Nội, 5 cánh hoa đào của làng đào Nhật Tân, thể hiện tình hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản. Ảnh: TTXVN
Cầu Nhật Tân (Hà Nội) - một trong ba cây cầu có số nhịp dây văng lớn nhất thế giới, với thiết kế gồm 5 trụ tháp, tượng trưng cho 5 cửa ô của Hà Nội, 5 cánh hoa đào của làng đào Nhật Tân, thể hiện tình hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản. Ảnh: TTXVN

6. Đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông: Nhiều công trình giao thông lớn như nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ; đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên; cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Nội Bài - Lào Cai... được đưa vào khai thác trong năm 2015 đã tạo đột phá về phát triển hạ tầng. Các công trình này góp phần nâng cao năng lực vận tải, đẩy mạnh giao thương, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế vùng miền và đưa kết cấu hạ tầng Việt Nam bắt kịp xu thế hội nhập.

Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức tư vấn xét tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015 cho thí sinh. Ảnh: TTXVN
Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức tư vấn xét tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015 cho thí sinh. Ảnh: TTXVN
 

7. Lần đầu tiên tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia "hai trong một": Với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, lần đầu tiên Kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia được tổ chức trên cơ sở hợp nhất hai kỳ thi: tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng nhằm giảm áp lực thi cử và hướng tới việc tổ chức hiệu quả hơn kỳ thi này trong các năm sau.

Cán bộ Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk hướng dẫn người dân xã Cư Pui, huyện Krông Bông tìm hiểu các văn bản pháp lý. Ảnh: TTXVN
Cán bộ Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk hướng dẫn người dân xã Cư Pui, huyện Krông Bông tìm hiểu các văn bản pháp lý. Ảnh: TTXVN
 

8. Chuyển biến tích cực trong công tác cải cách tư pháp: Năm 2015 công tác cải cách tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực trong việc xây dựng luật pháp, tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp theo hướng nâng cao hiệu quả phòng ngừa vi phạm pháp luật, tăng cường chống oan sai và bảo vệ quyền con người… Việc công khai xin lỗi, bồi thường đối với người bị kết án oan, được đông đảo dư luận đồng tình, hoan nghênh.

“Cô gái vàng” Nguyễn Thị Ánh Viên, vận động viên giành nhiều HCV cá nhân nhất tại SEA Games 28 (8 HCV). Ảnh: TTXVN
“Cô gái vàng” Nguyễn Thị Ánh Viên, vận động viên giành nhiều HCV cá nhân nhất tại SEA Games 28 (8 HCV). Ảnh: TTXVN
 

9. Thành công của thể thao Việt Nam và sự tỏa sáng của VĐV bơi lội Ánh Viên: Thể thao Việt Nam đã giữ vững vị trí trong nhóm 3 nước dẫn đầu Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) với 73 Huy chương Vàng (HCV) tại SEA Games 28, trong đó có hơn 85% HCV thuộc về các môn Olympic. Năm 2015 đã xuất hiện nhiều gương mặt trẻ xuất sắc của thể thao Việt Nam, đặc biệt là “cô gái vàng” Nguyễn Thị Ánh Viên, vận động viên giành nhiều HCV cá nhân nhất ở một kỳ SEA Games kể từ năm 1977 (8 HCV). Ngoài ra, Ánh Viên còn giành một số thành tích như Huy chương Bạc và Huy chương Đồng tại Cup Bơi lội Thế giới tổ chức tại Nga.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng trao tặng bức tranh Bộ tem Đại thi hào Nguyễn Du cho tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: TTXVN
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng trao tặng bức tranh Bộ tem  Đại thi hào Nguyễn Du cho tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: TTXVN
 

10. Chuỗi sự kiện Kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765 – 2015): Đây là hoạt động văn hóa lớn của quốc gia được tổ chức thành chuỗi các sự kiện sôi nổi trên toàn quốc mà đỉnh cao là chương trình đại lễ diễn ra vào tối 5/12 tại Hà Tĩnh. Cùng với đó là các hoạt động hưởng ứng trên bình diện quốc tế theo tinh thần của Nghị quyết UNESCO về việc vinh danh đại thi hào Nguyễn Du. Các hoạt động này, một lần nữa, đã làm nổi bật thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Du, đặc biệt là tác phẩm “Truyện Kiều” – được đánh giá là "một trong những tác phẩm văn hóa trứ danh nhất của thế giới", đề cao chủ nghĩa nhân đạo, khát vọng hòa bình, giá trị gia đình, truyền thống văn hóa.../.

Có thể bạn quan tâm