Tìm giải pháp phát triển nuôi cá lồng bền vững trên sông, hồ vùng trung du miền núi phía Bắc

Tìm giải pháp phát triển nuôi cá lồng bền vững trên sông, hồ vùng trung du miền núi phía Bắc

Theo thống kê Vụ nuôi trồng thủy sản - Tổng cục thủy sản, khu vực trung du miền núi phía Bắc có tiềm năng phát triển nuôi cá lồng trên các sông, hồ chứa, hồ thủy điện rất lớn. Năm 2015, các tỉnh miền núi trung du phía Bắc đã nuôi được 5.800 lồng, sản lượng đạt gần 7.700 tấn. Đến tháng 8/2016, đã có khoảng 8.760 lồng cá đã được nuôi trồng, sản lượng ước đạt gần 17.500 tấn; trong đó, các lọai cá chính được nuôi là cá chiên, cá lăng, cá tầm, cá trắm, cá chép, rô phi... Hòa Bình, Phú Thọ là những địa phương phát triển nuôi cá lồng tốt nhất. 

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông Quốc gia cho rằng, mặc dù, chưa tạo thành sản phẩm hàng hóa tập trung xuất khẩu nhưng nuôi cá lồng ở các tỉnh khu vực các tỉnh miền núi trung du phía Bắc đã mang lại hiệu quả xã hội lớn. Mô hình nuôi cá lồng đã cung cấp sản phẩm tại chỗ, tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho một bộ phận dân cư, cải thiện đời sống cho đồng bào miền núi còn nhiều khó khăn. Qua đó, góp phần bảo vệ an ninh biên giới, tạo chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng tích cực góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. 

Dù có hệ thống sông ngòi, hồ chứa dày đặc, thế nhưng hiện tại do quy mô nuôi chưa được đầu tư tương xứng, việc áp dụng khoa học công nghệ còn hạn chế nên chưa phát huy hết tiềm năng và nguồn lực của vùng. 

Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông Quốc gia cho rằng, việc nuôi cá lồng ở các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc đã mang lại hiệu quả xã hội lớn
Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông Quốc gia cho rằng, việc nuôi cá lồng ở các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc đã mang lại hiệu quả xã hội lớn

Tại diễn đàn, bên cạnh việc nêu ra một số khó khăn, tồn tại trong nuôi cá lồng các đại biểu cũng thảo luận đưa ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng trên trong đó có việc cần thành lập hợp tác xã. Theo TS Lê Thanh Lựu, Trưởng ban hợp tác Quốc tế - thông tin Hội nghề cá Việt Nam để nuôi cá lồng phát triển bền vững cần tạo ra chuỗi giá trị nuôi bao gồm các nhà cung cấp vật tư thiết bị, con giống, thức ăn, nhà thu mua. Các nhà nuôi cá lồng ven hồ cần tổ chức thành hợp tác xã để mở rộng quy mô nuôi. Việc tổ chức sản xuất tiêu thụ theo chuỗi đang là xu thế phát triển, chỉ có tổ chức sản xuất như vậy mới tạo ra được sản phẩm có chất lượng cao, giảm được rủi ro, chi phí sản xuất thấp hơn và khả năng cạnh tranh cao hơn”. 

Các chuyên gia thủy sản giải đáp những thắc mắc cho các hộ nuôi cá
Các chuyên gia thủy sản giải đáp những thắc mắc cho các hộ nuôi cá

Hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị, cần đưa chương trình phát triển bền vững nuôi cá lồng bè trong hồ, sông suối của khu vực trung du miền núi phía Bắc thành một chương trình quan trọng cho cả vùng, đồng thời thử nghiệm mô hình chuỗi giá trị cá lồng cho đồng bào tái định cư khi xây dựng hồ chứa.

Có thể bạn quan tâm