Ngân hàng đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp

Ngân hàng đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp
Giảm lãi suất, thêm gói cho vay
Ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kêu gọi của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về các giải pháp hỗ trợ DN, hàng loạt NH đã công bố giảm lãi suất cho vay.
Theo đó, BIDV cam kết ngay trong năm 2016 sẽ đặt mục tiêu tiết giảm khoảng 500 - 600 tỷ đồng để phục vụ việc giảm lãi suất. Lãnh đạo NH này cũng cho biết sẽ thực hiện giảm ngay 0,3 - 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn và đưa lãi suất cho vay trung - dài hạn về mức tối đa 10%/năm đối với các khách hàng có quan hệ tín dụng tốt theo các tiêu chí đánh giá khách quan.
Ngân hàng đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp ảnh 1
Công ty TNHH Quảng Thái, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) mỗi năm xuất khẩu hàng trăm tấn nông sản. Doanh nghiệp này được Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) đánh giá là đơn vị hoạt động tốt nên luôn được cho vay với lãi suất ưu đãi đúng quy định.

Vietcombank cũng dự kiến tiết giảm khoảng 300 tỷ đồng chi phí kinh doanh trong năm 2016 và giảm ngay mức lãi suất trung - dài hạn về tối đa 10%/năm cho các khách hàng uy tín. Trong khi đó VietinBank cũng hứa sẽ xem xét giảm 0,5 - 1% lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực trọng điểm, được Chính phủ ưu tiên, khuyến khích phát triển.
Không chỉ những NHTMCP Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, mà những NHTMCP khác cũng đã giảm lãi suất và đưa ra các gói cho vay hỗ trợ DN. Đơn cử như SHB áp dụng chính sách lãi suất cho vay ưu đãi đối với các DN hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên phát triển như nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, DN ứng dụng công nghệ cao. Đối với các khoản vay trung dài hạn, lãi suất ưu đãi tối đa 10%/năm; đối với các khoản cho vay ngắn hạn, SHB xem xét giảm lãi suất 0,5% so với mức lãi suất hiện hành. Ông Nguyễn Văn Lê - Tổng Giám đốc SHB cho biết, với các chính sách ưu đãi của SHB về lãi suất, hạn mức cho vay cũng như những hỗ trợ tư vấn tài chính, quản lý dòng tiền nguồn thu của DN … sẽ giúp cho các DN mở rộng, phát triển hoạt động kinh doanh, đóng góp và sự phát triển kinh tế nước nhà.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng đã công bố dành 5.000 tỷ đồng cho vay các doanh nghiệp với mức lãi suất ưu đãi từ 6,9%/năm. Đối tượng được hưởng ưu đãi là các DN xuất nhập khẩu vay vốn và sử dụng dịch vụ thanh toán quốc tế tại TPBank và các DN công nghiệp phụ trợ.
Lo lãi suất giảm không bền vững
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là từ đầu năm đến nay lãi suất huy động của các DN liên tục tăng thì việc giảm lãi suất cho vay này có mang yếu tố “hành chính” và liệu có bền vững. Theo lãnh đạo một NHTMCP có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh, bao giờ NH cũng muốn giảm lãi suất cho vay, nhưng không phải NH nào cũng có thể giảm sâu lãi suất cho vay được, đặc biệt, với trường hợp là các NHTMCP nhỏ. Các NHTMCP nhỏ thường không có lợi thế trong huy động vốn giá rẻ nên sẽ phải cân đối các loại chi phí để không ảnh hưởng quá nhiều đến lợi nhuận NH.
Nếu nhìn vào biểu lãi suất huy động dài hạn ở nhiều NH hiện nay, trung bình đang ở mức 7 - 8%/năm. Nếu cho vay trung và dài hạn chỉ dưới 10%/năm, thì tỷ suất sinh lợi của NH rất thấp.
Tất nhiên, theo chia sẻ của lãnh đạo các NH thì đối tượng được vay với lãi suất thấp sẽ phải trải qua xét duyệt với tiêu chuẩn cao mà NH đặt ra, chứ không phải NH nào cũng được ưu tiên vốn giá rẻ.
Mặc dù hoan nghênh các NH đã cắt giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay nhưng nhiều chuyên gia cũng lo ngại tính bền vững. Đặc biệt, tính đến đầu tháng 5/2016, ngân sách nhà nước đã huy động được gần 111.791 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) để bù đắp bội chi và chi cho đầu tư phát triển. với việc Chính phủ lên kế hoạch trong năm 2016 phát hành trái phiếu lên tới 220.000 tỷ bị đồng, trong đó theo Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam thì khoảng trên 80% khách hàng mua trái phiếu là các NH, điều này sẽ dẫn tới việc nguồn vốn giá thấp cho tín dụng đang vơi đi rất nhiều. TS. Nguyễn Ngọc Hòa - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, để thu hút vốn, NH phải nâng lãi suất huy động để cạnh tranh với ngân sách nhà nước điều này sẽ gây khó khăn cho việc giảm lãi suất một cách bền vững.
Theo Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, ban hành ngày 16/5/2016, đối với ngành Ngân hàng, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, chặt chẽ, duy trì mặt bằng lãi suất thị trường ở mức hợp lý, đồng thời bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng…
Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm