Các nước ASEAN nghiên cứu chuỗi liên kết sản xuất rau an toàn tại Lâm Đồng

Các nước ASEAN nghiên cứu chuỗi liên kết sản xuất rau an toàn tại Lâm Đồng
Trung tuần tháng 5/2016, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) và Sở NN&PTNT Lâm Đồng tổ chức cho các thành viên Khóa đào tạo ASEAN Phát triển chuỗi giá trị thực phẩm an toàn (ASEAN training course on “Development of safe food value chain”) tham quan, nghiên cứu một số chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau, hoa, cà phê… theo công nghệ cao tại TP. Đà Lạt và các huyện Lâm Hà, Đức Trọng (Lâm Đồng).
 
Các chuyên gia và nông dân các nước ASEAN học cách ghép cây cà chua
Các chuyên gia và nông dân các nước ASEAN học cách ghép cây cà chua

Liên kết sản xuất
Sở NN&PTNT Lâm Đồng cho rằng, nắm bắt được nhu cầu thị trường hướng tới ưu tiên sử dụng nguồn nông sản, thực phẩm sạch, an toàn và có nguồn gốc rõ ràng nên hiện nay nông dân Đà Lạt, Lâm Đồng ý thức cùng nhau thành lập chuỗi sản xuất rau an toàn rồi cung ứng trực tiếp cho các nhà tiêu thụ, thay vì sản xuất manh mún thiếu định hướng như trước. Hầu hết các mô hình liên kết sản xuất có tính ổn định cao, vì chủ động được đầu ra và giá cả không phụ thuộc thị trường như trước đây. Mô hình liên kết trồng và cung ứng rau sạch khá đa dạng gồm các doanh nghiệp, các Hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác… đóng vai trò đầu tàu trong việc cung ứng cây giống, hướng dẫn kỹ thuật và ký kết hợp đồng tiêu thụ rau với chuỗi siêu thị, nhà hàng lớn tại các thành phố lớn như TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ… 
 
Ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công ty TNHH Trang trại nông sản Phong Thúy, huyện Đức Trọng (trang trại Phong Thúy), giới thiệu với các thành viên khóa học, hiện nay trang trại đang liên kết với 14 hộ gia đình và 1 HTX (gồm 14 xã viên) để canh tác 100ha rau an toàn chất lượng cao, với hơn 30 dòng sản phẩm gồm 80 mã hàng. Các hộ gia đình được Phong Thúy cung cấp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật; các hộ có nhiệm vụ ghi nhật ký đồng ruộng, canh tác rau theo đúng quy trình an toàn và giám sát lẫn nhau. Hàng tuần, công ty cử cán bộ đến các trang trại kiểm tra việc ghi nhật ký và tư vấn kỹ thuật (nếu cần). Đến kỳ thu hoạch các nông hộ chở rau về nhà xưởng để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nếu đạt yêu cầu sẽ được phân loại kích cỡ, đóng gói, chuyển đi tiêu thụ và báo giá một cách công khai, minh bạch cho từng lô hàng. Bình quân mỗi ngày, trang trại Phong Thúy cung cấp cho thị trường gần 20 tấn rau các loại. Tương tự, đại diện HTX Anh Đào (Đà Lạt) cho biết, ngoài 22 xã viên, hiện nay, đơn vị này ký hợp đồng với 80 nông hộ, mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn lên 270ha nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Khi ký kết hợp tác, tất cả các mô hình đều phải tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, cùng sự hỗ trợ kỹ thuật canh tác, giống, vật tư của HTX. 
Ông Lê Công Thôn (TT Liên Nghĩa, Đức Trọng), cho biết, mỗi ngày, trang trại rộng 4ha của gia đình ông thu hoạch được trên dưới 1 tấn rau các loại, thu hoạch đến đâu được bán hết đến đó. “Gia đình tôi không phải lo lắng về đầu ra hoặc phải đổ bỏ rau do bị thương lái ép giá nhờ đã ký hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm với trang trại Phong Thuý”. Với việc liên kết sản xuất rau, mỗi năm, gia đình ông Thôn đạt lợi nhuận không dưới 1 tỷ đồng/4ha. 
Theo ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng chục chuỗi liên kết sản xuất nông sản an toàn đạt tiêu chuẩn VietGap, tiêu biểu như Công ty Đà Lạt GAP, Công ty TNHH Thảo Nguyên, Các HTX Tân Tiến, Anh Đào, Xuân Hương, Trung Tín… đang cung cấp rau cho Saigon Co.op, các siêu thị Lotte, BigC, Metro, Maximax Aeon…
Cần tăng cường hợp tác giữa các nước
Bà Lea Astrude T.Santiago (chủ trang trại Our Farm Republic, Philippines), sau khi tham quan các mô hình liên kết sản xuất đã bày tỏ thật sự ấn tượng về mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng, với nhiều thiết bị máy móc mà trang trại của bà cũng như nhiều trang trại khác ở Philippin chưa có được. “Theo tôi, nông dân các nước ASEAN cần tăng cường sự hợp tác, trao đổi kinh nghiệm để phát triển chuỗi liên kết sản xuất nông sản an toàn” - bà Lea Astrude T. Santiago nói. Ông Saupee (chuyên gia nông nghiệp của Malaysia) thì cho biết: “Ở Malaysia cũng phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại các vùng cao nguyên có khí hậu phù hợp, nhưng quy mô nhà kính không hiện đại bằng trang trại Phong Thúy, hoặc Công ty Rừng Hoa, không có mái che kín hoàn toàn như ở đây”.
Còn anh SouKanda Vichittry (Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Lào) cho biết, mô hình canh tác nông nghiệp công nghệ cao ở Lào chưa nhiều. Anh ấn tượng nhất với phương pháp ghép giống cà chua và công nghệ trồng rau thủy canh. Anh SouKanda Vichittry nói: “Chuyến đi thực tế tại Lâm Đồng, tôi học tập được rất nhiều kinh nghiệm trong việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, hoa và mô hình liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn”.

Theo Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, trên địa bàn có 82 cơ sở sản xuất rau được cấp giấy chứng nhận sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 678,6ha sản lượng gần 631.000 tấn/năm; 5 cơ sở sản xuất rau an toàn theo hướng GlobalGAP, Organik với tổng diện tích 22ha, sản lượng 543 tấn/năm.
Báo Lâm Đồng

Có thể bạn quan tâm