Vùng trọng điểm cà phê Cư M’gar vận động các nông hộ tưới tiết kiệm nước

Vùng trọng điểm cà phê Cư M’gar vận động các nông hộ tưới tiết kiệm nước
Thu hoạch cà phê tại tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Phạm Cường - TTXVN
Thu hoạch cà phê tại tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Phạm Cường - TTXVN

Trước đây, cứ vào mùa khô, các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê tổ chức tưới nước cho cây cà phê với 3 hình thức: tưới bằng béc phun mưa, tưới dí vào gốc và tười tràn, với mỗi lần tưới từ 500 đến 750 lít nước/gốc. Thậm chí, có lúc tưới tăng lên hơn 800 lít nước/lần tưới/gốc cà phê.

Mỗi mùa khô, các nông hộ, doanh nghiệp thường tưới từ 4 đến 5 đợt cho cây cà phê. Qua nghiên cứu, các đơn vị chức năng cho biết, vào mùa khô hanh, cây cà phê chỉ cần lượng nước từ 400 đến 450 lít/ lần tưới/ gốc, với chu kỳ tưới từ 21 đến 22 ngày vẫn đảm bảo cho cây cà phê sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất từ 3 tấn cà phê nhân trở lên, trong khi tưới quá nhiều lượng nước không những tăng phí phí đầu tư (tăng công lao động, xăng dầu…), lãng phí tài nguyên nước mà còn làm rửa trôi độ màu mở của đất, làm cho đất nhanh bạc màu.

Huyện đã tổ chức cho các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê đi tham quan các mô hình tưới nước tiết kiệm, đồng thời, mời các chuyên gia về trình diễn, hướng dẫn các nông hộ đầu tư, lắp đặt các hệ thống tưới nước tiết kiệm cho cây cà phê, hồ tiêu và các loại cây trồng khác trên địa bàn.

Huyện cũng tạo điều kiện cho các nông hộ, doanh nghiệp vay vốn của các tổ chức tín dụng để đầu tư lắp đặt các hệ thống tưới nước tiết kiệm nhằm phục vụ tốt yêu cầu thâm canh, phát triển bền vững cây cà phê.

Chị Nguyễn Thị Thái Hà, chủ trang trại cà phê ở tổ dân phố 8, thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar) cho biết, trước đây, vào mùa khô, trang trại của gia đình tốn rất nhiều công lao động để kéo dây, lắp đường ống, mua xăng dầu chạy máy bơm tưới cho cà phê liên tục từ 4 đến 5 ngày, mỗi mùa khô tưới từ 4 đến 6 đợt không những tăng chi phí cho sản xuất mà còn tốn nhiều công sức…

Sau  khi tham quan và được sự hướng dẫn của các chuyên gia, chị Nguyễn Thị Thái Hà đã quyết định đầu tư 50 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm bằng hình thức tưới nhỏ giọt cho mỗi gốc cà phê. Với hình thức tưới nhỏ giọt này, mỗi lần tưới (trong mùa khô) chỉ cần 400 đến 450 lít nước/gốc (tiết kiệm từ 200 đến 250 lít nước/gốc/ lần tưới) nhưng cây cà phê vẫn phát triển tốt, đảm bảo năng suất 4 tấn cà phê nhân/ha.

Ông Nguyễn Phước, ở xã Ea Kpam cũng đã đầu tư gần 60 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm theo công nghệ Israel, hồ hởi cho biết, lắp đạt hệ thống tưới tiết kiệm không chỉ đơn thuần là tiết kiệm từ 20 đến 40% lượng nước tưới hàng năm, tiết kiệm tối đa nhân công, giảm chi phí đầu tư mà hệ thống còn giúp sử dụng hiệu quả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (bón phân qua đường ống tưới nước), kiểm soát độ ẩm, dinh dưỡng trên vườn cà phê có hiệu quả hơn….

Nhiều nông hộ, doanh nghiệp sản xuất cà phê trên địa bàn đều đánh giá cao cũng như thấy được hiệu quả của việc lắp đặt các hệ thống tưới nước tiết kiệm cho cây cà phê. Khó khăn lớn nhất hiện nay đó là việc bảo quản (vì phần lớn các rẫy cà phê đều xa khu dân cư) dễ bị mất trộm cũng như chi phí đầu tư lắp đặt còn quá cao nên các nông hộ chưa mặn mà.

Hiện nay, huyện Cư M’gar có tổng diện tích cà phê trên 36.000 ha, chủ yếu là cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh. Đây cũng là địa phương có nhiều diện tích cà phê nhất so với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
 
  Quang Huy

Có thể bạn quan tâm