Trồng dứa trên đất dốc giúp bà con vùng cao Mường Chà thoát nghèo

Trồng dứa trên đất dốc giúp bà con vùng cao Mường Chà thoát nghèo
Người dân Mường Chà thu hoạch dứa. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN
Người dân Mường Chà thu hoạch dứa. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN
Cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 50 km, chạy dọc theo tuyến Quốc lộ 12, hướng đi Lai châu, khi đến địa phận huyện Mường Chà mọi người như lạc vào “vương quốc dứa”. Dứa được trồng ở khắp mọi nơi, người dân tận dụng từng khoảnh đất trống ở vệ đường hay những đồi dốc cao để trồng. Mùi thơm của dứa tỏa khắp từ các quầy hàng bày bán ở ven hai bên đường như níu chân các vị khách đi ngang qua phải dừng lại. Buôn dứa được 3 năm, ông Cà Văn Chom, thương lái từ thành phố Điện Biên Phủ cho biết, dứa Mường Chà là loại dứa đặc biệt mà hiếm nơi nào có được bởi vị ngọt dịu, hương thơm, quả to chắc, đặc biệt dứa chín trên nương tự nhiên, không phun thuốc bảo quản nên được khách mua rất ưa chuộng. Mỗi ngày ông thường chạy từ 1-2 chuyến lên Mường Chà mua dứa để về tiêu thụ tại địa bàn thành phố Điện Biên Phủ. Để thương hiệu dứa Mường Chà được nhiều nơi biết đến và giúp bà con yên tâm sản xuất, huyện Mường Chà đã xây dựng 2 hợp tác xã để thu mua dứa cho người dân; đảm bảo cho giá bán dứa ổn định, giúp bà con nâng cao năng suất và chất lượng cây dứa. 
Thương lái gom dứa từ các hộ bán lẻ dọc Quốc lộ 12. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN
Thương lái gom dứa từ các hộ bán lẻ dọc Quốc lộ 12. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN
Anh Lê Văn Tâm, Giám đốc Hợp tác xã Na Sang, huyện Mường Chà chia sẻ, hợp tác xã Na Sang đã hoạt động được 2 năm, hiện đang thu mua dứa của bà con để bán lại cho các thương lái từ các tỉnh miền xuôi như Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội. Mỗi ngày hợp tác xã mua vào khoảng 40 -50 tấn, giá cả theo thị trường. Ngoài việc thu mua dứa cho bà con, hợp tác xã cũng cung cấp phân bón và hướng dẫn bà con cách chăm sóc cây dứa theo đúng quy trình, giúp cây dứa ra quả to, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng đến tiêu chuẩn Vietgap. "Chúng tôi cũng đã đưa sản phẩm dứa ở địa bàn Mường Chà giới thiệu tại các hội chợ về nông sản trong toàn quốc, trưng bày ở các quầy hàng sản phẩm sạch ở trong và ngoài tỉnh.", anh Tâm nói. Chị Lý Thị Chua, xã Na Sang, huyện Mường Chà cho biết, gia đình chị có hơn 1 ha dứa. Thời gian đầu mới trồng dứa, gặp nhiều khó khăn về giống, kỹ thuật chăm sóc. Đặc biệt giá thị trường thất thường, bị thương lái ép giá. Tuy nhiên, từ khi mở ra hợp tác xã chuyên thu mua dứa, người dân đã yên tâm hơn, giá cả cũng đã ổn định. Hiện tại, gia đình thu lãi khoảng 70 -90 triệu đồng/vụ.
Người dân cân dứa để bán cho thương lái. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN
 Người dân cân dứa để bán cho thương lái. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN
Anh Lý A Chía, xã Na Sang, huyện Mường Chà cho hay, trước đây gia đình anh chủ yếu trồng lúa, ngô cái nghèo cái đói cứ đeo bám suốt. Nhưng từ khi chuyển sang trồng dứa, kinh tế gia đình khấm khá lên nhiều. Hiện gia đình tôi đang trồng 2 ha dứa, thu về khoảng 100 -120 triệu đồng/vụ. Ông Đinh Xuân Tiến, Phó chủ tịch UBND huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên cho biết, cây dứa trước đây được người dân trồng tự phát, nhưng sau khi nhận thấy hiệu quả kinh tế mà cây dứa mang lại, huyện đã triển khai trồng dứa ở khắp các vùng đồi, thay thế loại cây trồng như lúa nương, ngô sắn… Hiện, cây dứa được triển khai trồng chủ yếu 3 xã Na Sang, Mường Mươn và Sa Lông. Tổng diện tích dứa toàn huyện là 175 ha, với mật độ từ 25.000 -30.000 gốc/ha, năng suất bình quân 20 tấn/ha. Giống dứa Mường Chà chủ yếu giống Queen (dứa hoàng hậu), đây là giống dứa phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, cho ra quả ngọt, thơm dịu lại chịu được bóng râm. Để trồng dứa mang lại năng suất cao, người dân trồng dứa phải tuân thủ theo kỹ thuật trồng đất dốc, các hàng dứa được trồng theo đường đồng mức để tránh xói mòn. Đặc biệt, dứa Mường Chà luôn hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo cho quả dứa được sạch.  Cũng theo ông Đinh Xuân Tiến, hiện nay, cây dứa đã trở thành cây trồng chủ lực, mang lại lợi nhuận cao, từng bước giúp cho người dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Trong những năm tới, huyện sẽ tiếp tục xây dựng thương hiệu cho dứa Mường Chà. Đồng thời, phối hợp cùng với các Hợp tác xã tìm ra nơi tiêu thụ ổn định, hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn Vietgap để quả dứa được nâng cao giá trị và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để cho các doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến dứa tại địa phương, tạo ra mặt hàng mới có giá trị cao hơn, góp phần nâng cao thương hiệu, tăng thu nhập cho người dân.
Những sườn đồi được phủ xanh bằng cây dứa. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN
Những sườn đồi được phủ xanh bằng cây dứa. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN
Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, cây dứa ở Mường Chà đã dần khẳng định thương hiệu, đem lại cuộc sống mới cho bà con nhân dân. Tuy nhiên hiện tại việc xây dựng thương hiệu dứa ở Mường Chà chỉ đang ở giai đoạn đầu, dứa vẫn được trồng theo kiểu tự phát và chưa có sự quản lý chặt chẽ của chính quyền. Để xây dựng và phát triển thương hiệu cần phải có sự chung tay quyết liệt hơn nữa giữa chính quyền và người dân, tạo bước đi ổn định, bền vững cho cây dứa, góp phần nâng cao đời sống của người dân nơi đây.
          Văn Dũng - Xuân Tư

Có thể bạn quan tâm