Trồng dưa lưới trong nhà màng an toàn mang lại hiệu quả kinh tế cao ở huyện Long Điền

Trồng dưa lưới trong nhà màng an toàn mang lại hiệu quả kinh tế cao ở huyện Long Điền
Thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã bắt đầu xuất hiện nhiều mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, nhà lưới, cách ly với côn trùng gây bệnh, ứng phó trước thời tiết thay đổi thất thường. Điều này giúp chi phí sản xuất giảm, năng suất lại tăng lên. Nhờ đó đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, an toàn cho người sử dụng. Mô hình trồng dưa lưới của Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Âu Cơ (thành phố Bà Rịa) hiện đang có 4.000m2 chuyên trồng dưa lưới công nghệ cao ứng dụng hệ thống nhà màng tại phường Long Tâm và xã An Ngãi, huyện Long Điền. Đi vào hoạt động từ cuối năm 2016, hiện công ty có 3 khu nhà màng chuyên trồng dưa lưới, với quy trình trồng dưa theo tiêu chuẩn VietGAP, hệ thống tưới nhỏ giọt bán tự động. Hạt giống dưa cũng được kiểm soát chặt chẽ từ khâu đầu vào, phân được hòa vào nước rồi theo hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển.
Thu hoạch dưa lưới của Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Âu Cơ (thành phố Bà Rịa). Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN.
Thu hoạch dưa lưới của Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Âu Cơ (thành phố Bà Rịa). Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN.
Do dưa lưới được trồng trong hệ thống nhà màng nên hạn chế được mức tối đa sâu bệnh tấn công nên công ty không phải sử dụng đến thuốc trừ sâu, dưa đảm bảo an toàn cho người sử dụng và được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng của dưa. Hiện nay, Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Âu Cơ đang có nguồn cung cung cấp ổn định cho các địa phương như thành phố Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Kiều Văn Lành, Phó giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Âu Cơ cho biết, dưa lưới được trồng trong các giá thể là xơ dừa và phân bò được lót bạt nilon cách ly với nền đất để tránh nấm bệnh. Một đặc điểm nữa là do dưa trồng trong nhà lưới nên khi dưa cho hoa, người trồng phải trực tiếp thụ phấn cho dưa nên phía công ty đã nghĩ ra giải pháp nuôi ong ngay trong nhà màng để chúng thụ phấn cho dưa. Khi dưa có trái, mỗi gốc dưa chỉ để lại 1 trái để nuôi, người trồng cũng phải thường xuyên cắt tỉa lá, nhánh để vườn thông thoáng tránh dịch bệnh và cây tập trung dinh dưỡng vào để nuôi trái. Mỗi vụ dưa lưới từ lúc trồng đến lúc thu hoạch thường là khoảng 75 ngày. Trái từ 1,2 - 1,5kg là đạt yêu cầu (đây là giống dưa của Nhật Bản nên trái nhỏ, vừa ăn). Với chi phí đầu tư nhà lưới ban đầu khoảng 300 triệu đồng/1 sào, tuổi thọ của nhà lưới này từ 4 đến 5 năm. Hiện nay, mỗi tháng Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Âu Cơ thu trung bình khoảng 3 tấn/tháng, giá bán giao động từ 45-50.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí công ty còn lời khoảng 100 triệu đồng. Cũng theo ông Lành, với công nghệ mà Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Âu Cơ đang đầu tư vào sản xuất dưa lưới là hệ thống nhà màng và hệ thống tưới bán tự động, dưa lưới có ưu điểm là chủ động lịch canh tác, ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết, giảm bớt công sức chăm sóc và hạn chế sâu bệnh. Dưa lưới được sử dụng loại phân hữu cơ ngâm ủ đúng thời gian theo quy định, nước tưới đã qua hệ thống xử lý. Quá trình trồng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc kích thích mà chỉ dùng các chế phẩm sinh học.
Thu hoạch dưa lưới của Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Âu Cơ (thành phố Bà Rịa). Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN.
Thu hoạch dưa lưới của Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Âu Cơ (thành phố Bà Rịa). Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN.
Tương tự, mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao tại trang trại của chị Bùi Thị Hồng Vân xã Láng Lớn, huyện Châu Đức. Hoạt động từ tháng 1/2017, trang trại có diện tích 1,1ha với 4 khu nhà lưới, trong đó diện tích mỗi khu nhà lưới là 2.500m2. Vốn đầu tư ban đầu cho mỗi nhà màng vào khoảng 400 triệu đồng. Quy trình trồng và chăm sóc dưa lưới theo tiêu chuẩn GlobalGAP bao gồm các công đoạn: xử lý môi trường nhà màng, ương hạt giống, tưới nước. Theo đó, việc tưới nước được áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Đây là hệ thống tưới nước tự động với phân bón được hòa sẵn vào trong nước giúp giảm thiểu chi phí nhân công, đặc biệt quản lý được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Cách tưới này cũng giúp cho chất dinh dưỡng từ phân bón và lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Theo cán bộ kỹ thuật của trang trại, hạt giống dưa lưới trồng theo mô hình công nghệ cao hiện được trang trại sử dụng là giống Khang Nguyên, AB Sweat. Kỹ thuật để áp dụng mô hình này được hỗ trợ từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Dưa trồng trong nhà màng được sử dụng khay xốp để gieo hạt. Hạt giống được gieo 1 hạt/lỗ. Khay ươm được đặt trong nhà ươm có che mưa và lưới chắn côn trùng. Hạt giống được tưới giữ ẩm hằng ngày. Sau khi gieo từ 7 - 10 ngày, khi cây xuất hiện lá thứ 2 thì tiến hành trồng. Quá trình sinh trưởng, phát triển của loại dưa lưới này là 2,5 tháng, tương đương 75 ngày tuổi sẽ cho thu hoạch, có thể sản xuất liên tục với hơn 4 lứa/năm mà không cần phụ thuộc điều kiện thời tiết. Cây dưa lưới sẽ được trồng bán thủy canh. Quá trình chăm sóc, cây phát triển trong nhà màng sẽ được kiểm soát chặt chẽ về nhiệt độ, hệ thống tưới nhỏ giọt đến từng bầu cây.
Thu hoạch dưa lưới của Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Âu Cơ (thành phố Bà Rịa). Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN.
Thu hoạch dưa lưới của Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Âu Cơ (thành phố Bà Rịa). Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN.
Sau hơn 1 năm kể từ ngày xuống giống vụ đầu tiên, mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của chị Vân đã thu được những thành công bước đầu. Theo chị Vân, mục đích sử dụng nhà màng để bảo vệ cây trồng tránh được những bất lợi về thời tiết, côn trùng, qua đó hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và giảm công lao động. Trong khi đó trồng dưa lưới trong nhà màng cho năng suất cao (bình quân 7 tấn/2.500m2). Theo tính toán của chị Vân, vốn đầu tư về hạt giống, gieo trồng, nhân công là 70 triệu đồng/vụ, giá bán tại vườn là 30.000-35.000 đồng/kg dưa lưới. Sau khi trừ chi phí, khấu hao thiết bị, thu lãi từ 2 nhà màng là gần 100 triệu đồng/vụ, tính tổng số vụ gieo trồng trong năm thì lợi nhuận 1 nhà màng lên đến 200 triệu đồng/2.500m2. Riêng về đầu ra sản phẩm, hiện tại trang trại của chị Vân đã liên kết và được bao tiêu sản phẩm từ một công ty thu mua dưa lưới tại Bình Phước. Có thể khẳng định việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất dưa lưới nói riêng và các nông sản nói chung để tạo ra sản phẩm chất lượng, sạch bệnh và an toàn thực phẩm đang là hướng phát triển mới, bền vững của ngành nông nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu. Chính vì vậy, việc nhân rộng những mô hình hiệu quả như mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng như trên là việc cần thiết bởi không chỉ giúp đẩy mạnh sản xuất tiến tới nền nông nghiệp công nghệ cao, mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Hiện nay, ngành nông nghiệp đang tích cực triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu Ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nội dung hết sức quan trọng. Hy vọng, những mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất sẽ được ngành nông nghiệp đặc biệt quan tâm hỗ trợ phát triển và không chỉ dừng lại trên cây dưa lưới mà có thể mở rộng trên nhiều loại cây trồng khác.
Hoàng Nhị

Có thể bạn quan tâm