Tôm – Lúa: Mô hình sản xuất hiệu quả và bền vững

Tôm – Lúa: Mô hình sản xuất hiệu quả và bền vững
Mô hình sản xuất hiệu qủa và bền vững
Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, trong khoảng 5 năm gần đây hệ thống canh tác tôm - lúa đã phát triển mạnh ở nhiều tỉnh ven biển ĐBSCL, từ vài chục ngàn ha năm 2005 đã tăng lên khoảng 160.000 ha năm 2011, có thể đạt 180.000 ha vào năm 2015 và 200.000 ha năm 2020. Tổng kết thực tế sản xuất ở nhiều địa phương cho thấy mô hình canh tác tôm – lúa có hiệu quả và tính bền vững cao.
Hệ thống canh tác tôm – lúa có tính thân thiện môi trường cao hơn các hệ thống chuyên canh vì dễ dàng áp dụng giải pháp “quản lý tổng hợp”, giảm nhu cầu sử dụng các loại hóa chất trong sản xuất lúa, ít gây hại đến môi trường tự nhiên, phù hợp với các yêu cầu thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mô hình này sản xuất ra nhiều sản phẩm - ngoài sản phẩm chính là lúa và tôm còn có thể tận dụng nguồn lực để xen canh các loại cây trồng, thủy sản khác. Vì vậy, nó bền vững hơn về mặt kinh tế và hiệu quả đầu tư, ổn định và tăng thu nhập cho người sản xuất trước những ảnh hưởng tiêu cực khi có biến động giá cả, thị trường.

Mô hình canh tác tôm – lúa có độ đa dạng loài cao hơn mô hình đơn canh. Theo qui luật tự nhiên, mô hình sản xuất càng đa dạng loài thì mức độ bền vững càng cao, vì các đối tượng khác nhau có thể phát huy các yếu tố tích cực, hạn chế yếu tố tiêu cực của nhau như cải tạo đất, trừ sâu hại và cắt đứt vòng đời dịch bệnh, v.v… trong quá trình sinh trưởng và phát triển.
Về mức độ tái sử dụng tài nguyên sinh học, sau một vụ tôm, các chất thải được cây lúa chuyển hóa và hấp thụ, góp phần hạn chế lượng phân bón, thuốc trừ sâu trong giai đoạn đầu. Ngược lại, sau một vụ lúa, các loại rơm rạ bị phân hủy tạo môi trường sống và nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm trong vụ nuôi tiếp theo. Nhờ đó, mô hình này góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và lợi nhuận.
Báo cáo tại hội nghị tôm – lúa lần thứ 3 với chủ đề “Phát triển lúa và xây dựng thương hiệu gạo trên vùng lúa luân canh tôm ven biển ĐBSCL” tổ chức tại Sóc Trăng ngày 5/10/2012 cho biết, mô hình này mang lại lợi nhuận trung bình cao hơn từ 15 – 30% so với độc canh lúa hoặc tôm.
Sản phẩm của mô hình tôm – lúa có thể thỏa mãn nhiều tiêu chí chất lượng nghiêm ngặt trong sản xuất hàng hóa cao cấp, đòi hỏi an toàn cao, hiệu quả kinh tế lớn và có nhiều cơ hội để xây dựng và khẳng định thương hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đặc trưng của vùng.
Ngoài ra, canh tác lúa trên vùng nuôi tôm là cách rửa mặn tích cực vào mùa mưa, hạn chế quá trình mặn hóa, kéo dài tuổi thọ sử dụng đất. Nếu chuyên canh tôm lâu dài, nước mặn sẽ ngấm sâu vào tầng đất dưới, làm đất bị thoái hóa, không thể sử dụng cho các mục đích trồng trọt sau này.
Đẩy mạnh áp dụng mô hình vào thực tiễn
Hệ thống canh tác nông ngư kết hợp, đưa NTTS vào các hệ thống nông nghiệp (cây trồng) truyền thống đã được nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đánh giá là hệ thống canh tác bền vững. Mô hình canh tác tôm – lúa chính là việc ứng dụng những kiến thức ấy để biến cái khó lâu đời của người nông dân trồng lúa vùng ven biển ĐBSCL, vì nước mặn xâm nhập vào đồng ruộng trong mùa khô, thành nguồn tài nguyên quí giá để phát triển sản xuất và cải thiện đời sống.
Sự độc đáo cũng như lợi ích nhiều mặt của hệ thống này đã thu hút nhiều nhà khoa học tham gia các đề tài, dự án nghiên cứu. Hàng loạt hội thảo quốc tế và quốc gia về những khía cạnh liên quan đến mô hình này như tự nhiên, kinh tế, xã hội, chính sách, … đã được tổ chức, đem lại rất nhiều kiến thức có giá trị.
Hiện nay, các tỉnh có diện tích canh tác tôm – lúa lớn như Cà Mau, Bạc Liêu, …đã có qui hoạch, định hướng và dự án phát triển đến năm 2015 - 2020, đồng thời có những giải pháp để phát triển hệ thống này một cách bền vững. Riêng đối với Sóc Trăng, phát huy lợi thế lợi thế so sánh về tự nhiên, kỹ thuật và đặc biệt là giống lúa thơm, ngon được thị trường ưa chuộng, tỉnh đã qui hoạch phát triển vùng lúa trên đất nuôi tôm đạt chứng nhận GlobalG.A.P với thương hiệu gạo Ngọc Đồng. Còn tỉnh Trà Vinh, với đặc điểm vùng tôm - lúa phát triển mạnh trên cù lao Long Hòa (huyện Châu Thành) giữa sông Tiền, cũng đã xây dựng vùng canh tác đạt chứng nhận gạo hữu cơ dành cho thị trường XK cao cấp từ nhiều năm qua.
PGS.TS Phạm Văn Dư – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết: “Có thể nói không nơi nào trên thế giới có điều kiện thuận lợi để phát triển hệ thống canh tác tôm – lúa như ở ĐBSCL. Đây là một hệ thống đặc thù của vùng ven biển Nam Bộ và có nhiều lợi thế để phát triển ổn định. Tiềm năng mở rộng hệ thống canh tác tôm – lúa ở khu vực này còn rất lớn, quy mô sản xuất có thể đạt đến 200.000 ha, đóng góp hằng năm khoảng 800.000 tấn lúa”.
Để phát huy hơn nữa những tiềm năng tự nhiên, bên cạnh hệ thống canh tác đã có, cần xây dựng định hướng và qui hoạch chi tiết hơn về vùng sản xuất, giống lúa, tôm, tiêu chuẩn chất lượng, thương hiệu sản phẩm; đồng thời kết hợp các đối tượng rau, màu và các loại thủy sản khác để nâng cao thu nhập cho người sản xuất.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng NN&PTNT Bùi Bá Bổng cho biết, Bộ đã có kế hoạch phát triển thủy lợi phục vụ vùng sản xuất tôm - lúa. Thứ trưởng cũng lưu ý quy hoạch phát triển vùng tôm - lúa phải có sự khác biệt với quy hoạch các vùng chuyên canh lúa hoặc tôm, nhằm tạo ra sản phẩm tôm, lúa ở cấp chất lượng cao. Cần tính toán một cách khoa học nhất để phát huy ưu thế của mô hình tôm – lúa nhằm hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời lựa chọn những giống lúa thơm chất lượng cao để thu giá trị cao nhất, không chạy theo năng suất, ...
Với sự quan tâm của cả các cơ quan nhà nước trung ương, địa phương, các nhà khoa học, các DN và nông dân, chắc chắn mô hình canh tác tôm – lúa sẽ có bước phát triển đột phá, tạo ra một bước ngoặt mới trong phát triển kinh tế ở vùng ven biến ĐBSC.

Có thể bạn quan tâm