Thanh long trồng giàn mang lại hiệu quả cao

Thanh long trồng giàn mang lại hiệu quả cao
Trang trại Bình An ở thôn Thuận Minh, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam hiện có 70 ha thanh long, trong đó có 60 ha thanh long trồng giàn theo hướng sản xuất công nghệ cao. Hiện nay, diện tích thanh long giàn này đã được 3 năm tuổi và bắt đầu cho thu hoạch.

Theo cách làm trước đây, thanh long được trồng theo từng trụ riêng lẻ, trụ cách trụ 3m, hàng cách hàng 3m. Mỗi một ha đất có thể trồng khoảng 1.000 trụ thanh long. Tuy nhiên với cách trồng giàn, khoảng cách giữa các trụ bê tông được rút ngắn còn 1,5m, ở giữa các trụ có thêm một trụ phụ bằng sắt hoặc tre. Một đường dây cáp dài nối các đầu trụ với nhau, giúp cành thanh long leo thành giàn. Mỗi giàn cách nhau 3m. Theo kiểu này, mỗi ha đất có thể trồng từ 2.000- 2.500 trụ thanh long.

Anh Dương Quốc Toàn, Quản lý trang trại Bình An cho biết, trồng thanh long giàn cho hiệu quả vượt bậc so với cách trồng trước đây. Không chỉ tận dụng được diện tích đất tối đa để sản xuất, trồng theo phương pháp giàn thuận lợi cho việc chăm sóc, vệ sinh vườn, thu hoạch trái và tiết kiệm nước tưới.

Hơn hết, thanh long giàn tạo điều kiện để cơ giới hóa trong sản xuất, hạn chế nhân công lao động như: sử dụng máy cày để bón phân hữu cơ, sử dụng máy phun thuốc, máy cắt cỏ… đồng thời có thể trồng xen canh các cây trồng khác trên diện tích giữa các giàn.

Hiệu quả rõ nét nhất là thanh long giàn cho số lượng cành và trái nhiều hơn gấp 3 lần so với trước đây. Ở trang trại Bình An, vụ thu hoạch đầu tiên, thanh long giàn cho năng suất bình quân khoảng 60 tấn/ha, tăng gấp đôi so với thanh long từng trụ truyền thống.

Về kỹ thuật chăm sóc, theo anh Toàn, để mang lại hiệu quả, khi trồng cần chú ý đến yếu tố ánh nắng. Tốt nhất giàn thanh long nên được trồng theo hướng Đông- Tây thì sẽ tận dụng được ánh nắng, kích thích cây ra trái nhiều hơn. Đồng thời, nên hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thay vào đó nên sử dụng phân hữu cơ và tăng cường các biện pháp phòng ngừa như vệ sinh vườn, tỉa cảnh…

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam cho biết, toàn xã hiện có hơn 420 ha thanh long, trong đó 96% diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Hiện có khoảng 180 ha thanh long được trồng theo giàn, tập trung chủ yếu ở các trang trại. Diện tích thanh long giàn này sẽ được đưa vào vùng sản xuất chuyên canh cây thanh long và tạo tiền đề để phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.

Không chỉ các trang trại mà nhiều hộ dân ở Bình Thuận cũng đã mạnh dạn chuyển đổi sang cách trồng mới này. Ông Phạm Văn Động ở xã Tân Đức, huyện Hàm Tân là một trong những người đầu tiên trồng thanh long giàn. Gia đình ông hiện có 4ha đất trồng thanh long. Để phát triển diện tích thanh long, thay vì phải mua thêm đất để mở rộng thì gia đình ông áp dụng cách trồng thanh long giàn.

Với cách làm này ông Động có thể tăng thêm số trụ thanh long, tăng thêm sản lượng trái. So với mô hình trồng trụ riêng lẻ, thanh long giàn vừa tiết kiệm được diện tích đất, giảm được công chăm sóc, giảm phân bón…

Tuy nhiên, theo ông Động vì cách trồng giàn này, số lượng trụ nhiều hơn so với bình thường nên chi phí đầu tư ban đầu cao hơn so với trên cùng một diện tích trồng thanh trụ như trước đây. Bên cạnh đó, vì cành thanh long nhiều và nối tiếp nhau theo giàn nên khi có dịch bệnh như bệnh đốm nâu, đốm trắng thì khó chăm sóc, xử lý. Vì vậy, khi trồng theo kiểu này người trồng phải theo dõi và kiểm tra vệ sinh vườn thường xuyên.

Thanh long giàn đang mở ra một hướng đi mới cho người trồng thanh long Bình Thuận. Việc cơ giới hóa được thuận lợi, tiến bộ kỹ thuật được áp dụng sẽ từng bước tạo cơ sở để người dân mạnh dạn sản xuất theo hướng công nghệ cao, góp phần nâng cao chất lượng trái thanh long, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Hồng Hiếu

Có thể bạn quan tâm