Tạo sầu riêng trái vụ cho hiệu quả kinh tế cao

Tạo sầu riêng trái vụ cho hiệu quả kinh tế cao
Đến với gia đình ông Lê Văn Hải, người đã canh tác sầu riêng nhiều năm nay, trước mắt chúng tôi là một vườn sầu riêng được phủ nilon trắng. Nhìn màu xanh trù phú của sầu riêng trên diện tích 3ha, ít ai biết rằng cách đây mấy năm, nơi đây là vùng đất sình lầy bỏ hoang. Ông Hải đã bỏ công sức đào rãnh thoát nước rồi tiến hành trồng sầu riêng. Nhờ bàn tay chăm sóc chu đáo của hai vợ chồng ông, năng suất sầu riêng đạt 3 tấn/ha. Nhưng khi đã đạt năng suất cao thì vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm cũng khiến ông trăn trở. Ông đã nghĩ đến việc làm sao để sầu riêng có thể ra quả trái vụ. Với suy nghĩ đó, ông đã bắt đầu tìm hiểu và học tập phương thức phủ màng nilon dưới gốc cây sầu riêng của nông dân miền Tây. Điều khiến ông nghĩ đến sau đó là phương thức này có phù hợp với môi trường, khí hậu hay trở ngại nào từ thiên nhiên của tỉnh Lâm Đồng hay không. Nhưng “dám nghĩ, dám làm”, ông Hải đã bắt tay đầu tư phủ bạt nilon toàn bộ vườn sầu riêng của mình. Và hiện nay, tại thời điểm mùa mưa, nước trôi theo rãnh thoát nước, nilon cản không cho cây tiếp xúc với nước và ông Hải gọi đây là cách xiết nước, tạo hạn cho sầu riêng. Ông Hải chia sẻ: “Trước đây, vào những năm mưa nhiều, trái sầu riêng hay bị hư, bị nấm bệnh. Mặt khác, sầu riêng cho trái đúng mùa vụ thì diễn ra tình trạng giá rất rẻ, thu nhập của gia đình giảm nhiều. Nhưng năm vừa qua, khi áp dụng cách thức phủ ni lon, năng suất đạt cao hơn, thu nhập tăng, giảm được rất nhiều công chăm sóc và phân, thuốc cho cây”.
 
Ông Lê Văn Hải thôn 2, xã Đạ Ploa, huyện Đạ Huoai đang phủ bạt dưới gốc sầu riêng
Ông Lê Văn Hải thôn 2, xã Đạ Ploa, huyện Đạ Huoai đang phủ bạt dưới gốc sầu riêng

Việc phủ và dỡ bạt nilon cũng được ông Hải tính toán rất kỹ, có thể phủ nilon trong thời gian 1,5 đến 2 tháng, tùy theo tình hình thời tiết thì dỡ bạt. Với cách làm này, những cây sầu riêng sẽ không ra hoa chính mà sẽ cho thu hoạch vào tháng 5. Từ kết quả khả quan trên, năm nay, ông Hải mở rộng diện tích ứng dụng phương thức phủ nilon xiết nước, tạo hạn trên diện tích lớn hơn với hy vọng đạt được hiệu quả kinh tế cao. 

Theo đánh giá của ông Võ Văn Hoanh - Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Huoai, mô hình trồng cây sầu riêng của ông Lê Văn Hải đã đạt được những thành công nhất định. Trung tâm Nông nghiệp huyện cũng thường xuyên đưa những đoàn tham quan đến thăm, học tập và trao đổi kinh nghiệm về mô hình phủ nilon của ông Lê Văn Hải. Qua mô hình của ông Hải, hiện nay, Huyện cũng đang phát triển nhiều mô hình trồng sầu riêng phủ nilon.
Ngành chức năng Lâm Đồng khuyến cáo, để cây sầu riêng phát triển mạnh và cho năng suất cao, nhất là sầu riêng trái vụ trong những năm đầu tiên cây bắt đầu cho quả chỉ nên giữ lại một số ít quả và tăng dần theo các năm. Nông dân cũng nên cắt tỉa cành thường xuyên, vặt bỏ bớt hoa để tập trung nuôi cây. Đồng thời, các biện pháp chăm sóc sâu bệnh trên cây cũng rất quan trọng.
Mô hình vườn sầu riêng của ông Hải là mô hình sầu riêng phủ nilon đầu tiên ở Lâm Đồng. Với cách làm này đã mở ra một hướng đi mới trong canh tác sầu riêng ở địa phương nhằm giúp nông dân loại bỏ bớt sự phụ thuộc vào thời tiết và nâng cao giá trị nông sản, tránh tình trạng được mùa mất giá như một số nông sản đang phải đối mặt, góp phần phát huy thế mạnh cây sầu riêng trên địa bàn.
Báo Lâm Đồng

Có thể bạn quan tâm