Sa nhân - cây xóa đói giảm nghèo ở “Trường Sa cạn”

Sa nhân - cây xóa đói giảm nghèo ở “Trường Sa cạn”
Cứu cánh cho các hộ nghèo

Theo y học cổ truyền, cây sa nhân (hay còn được gọi là súc sa mật) là cây thuốc quý, có tác dụng trong việc hành khí, giúp điều trung, hòa vị, kích thích tiêu hóa....  Ngoài công dụng làm dược liệu, cây sa nhân còn dùng chiết xuất tinh dầu làm hương liệu gia vị thực phẩm, nước hoa, dầu gội….

Chỉ vài năm trước đây, thôn Cán Hồ, xã Tung Chung Phố đất còn bỏ hoang hóa để cỏ dại mọc thì nay nơi đây bạt ngàn màu xanh của những tán cây sa nhân núp bóng dưới những cây thân gỗ to lực lưỡng vươn mình giữa đại ngàn. Cùng với đó, nhiều ngôi nhà khang trang đã và đang được xây dựng, tất cả được làm từ tiền bán quả sa nhân.

Cây sa nhân - Ảnh: TTXVN
Cây sa nhân - Ảnh: TTXVN

Đến thăm gia đình ông Phào Seo Phà, dân tộc Mông, là hộ tiên phong trồng cây sa nhân, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước căn nhà được xây mới với nhiều tiện nghi hiện đại như máy giặt, ti vi, tủ lạnh. Chia sẻ về quá trình “bén duyên” với cây sa nhân ông Phà cho biết, trước kia gia đình ông rất nghèo, cơm không đủ mà ăn. Ông phải sang Trung Quốc bốc vác thuê nhưng cũng chẳng ăn thua, được đồng nào cũng hết đồng đấy vì ở nhà có đến mấy cái miệng ăn.

Nhận thấy người dân vùng biên Trung Quốc trồng rất nhiều sa nhân mà cho thu hoạch cao nên ông Phà đã bỏ công việc bốc vác rồi vay mượn tiền anh em mua giống sa nhân về trồng. Xuất phát điểm với gần 1.000 gốc sa nhân, qua hơn 2 tháng trồng tỉ lệ cây sống đạt trên 90%. Nhận thấy vùng đất này rất thích hợp với cây sa nhân ông đã quyết định mở rộng diện tích loại cây trồng này. Sau hơn 4 năm gia đình ông đã phát triển được trên 5.000 gốc sa nhân dưới tán rừng và cho thu hoạch ổn định, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Từ hiệu quả bước đầu, đến nay gia đình lại tiếp tục trồng thêm 7.000 gốc sa nhân nữa.

Nhờ cây sa nhân mà từ một hộ nghèo trong thôn, gia đình ông Phà đã thoát nghèo, xây được ngôi nhà khang trang và mua sắm được nhiều vật dụng sinh hoạt có giá trị cho gia đình. Theo ông Phà, so với các loại cây trồng khác, trồng cây sa nhân không phải làm cỏ mà chỉ phải bón phân một lần duy nhất vào lúc mới trồng, nên ít tốn chi phí đầu tư, hiệu quả kinh tế cao.

Chỉ tay vào những cụm sa nhân sum suê, dưới gốc chi chít màu hoa trắng, ông Phà phấn khởi khoe: “Năm nay thời tiết thuận lợi sa nhân ra sai hoa, theo như kinh nghiệm trồng sa nhân của tôi thì cuối năm nay cứ đà này được mùa gia đình sẽ có thêm một khoản tiền không nhỏ từ cây sa nhân”.

Từ mô hình của gia đình ông Phà, đến nay, nhiều hộ gia đình ở thôn Cán Hồ đã mạnh dạn nhân giống và trồng sa nhân với diện tích trên 10ha, tất cả đều phát triển tốt đem về thu nhập cao cho nhiều gia đình. Cụ thể như gia đình anh Thào Seo Dế, thôn Vả Thàng, xã Tung Trung Phố năm 2013 đã cải tạo lại hơn 1ha đất đồi để trồng cây sa nhân xen với đồi mỡ, keo. Tới đầu năm 2017 gia đình anh thu hoạch được vụ đầu tiên thu về gần 100 triệu đồng.

“Nhờ loại cây này, kinh tế gia đình tôi giờ đây cũng đã cải thiện không nhỏ, tôi có thể cho các cháu đi học đầy đủ, gia đình cũng sắm được những vật dụng cần thiết phục vụ cho nông nghiệp. Ngoài thu về với số tiền gần trăm triệu đồng từ sa nhân thời gian tới  gia đình còn cho thu hoạch một khoản nhỏ từ cây mỡ. Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng thêm diện tích cây sa nhân và có thể gắn bó lâu dài với loại cây này”, anh Dế chia sẻ.      

Góp phần bảo vệ rừng

Ông Hầu Suýnh Củi, Chủ tịch UBND xã Tung Chung Phố cho biết, cây sa nhân dễ trồng, phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu cũng như tập quán canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số. Cây sinh trưởng tốt mà không cần phải tốn nhiều thời gian chăm sóc, phân bón, thuốc men,… mà vẫn đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Sa nhân nhìn hình dáng bên ngoài nhiều người có thể nhận nhầm là cây thảo quả bởi màu sắc lá và thân cây gần như giống nhau. Nhưng cây thảo quả khả năng chịu hạn kém, dễ trồng ở nơi có độ cao trên 1.500m còn cây sa nhân có thể trồng ở độ cao trên 1000m. Cây trồng sau 2-3 năm bắt đầu cho thu hoạch và rễ cây lan tới đâu thì diện tích trồng tự được mở rộng tới đó. Ở Tung Chung Phố, từ năm 2013 với diện tích hơn 1ha ban đầu, hiện nay trên địa bàn xã đã mở rộng được hơn 10 ha sa nhân. Mỗi năm cho thu hoạch 2 lần với giá cả ổn định, dao động từ 40.000- 50.000 đồng/kg tươi hay 200.000- 250.000 đồng/kg khô, bình quân một năm người dân sẽ có thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng/1ha sa nhân.

Ông Củi cho biết thêm, ngoài hiệu quả kinh tế, cây sa nhân trồng dưới tán rừng còn giúp chống rửa trôi và xói mòn đất, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng. Ngoài ra việc trồng xen kẽ loại cây này còn có tác dụng cải tạo, tăng độ phì nhiêu cho đất, tăng hệ số sử dụng đất lâm nghiệp một cách bền vững cho mảnh đất quanh năm “khát” nước này. Là địa phương có nhiều cánh rừng khá lớn, tận dụng những tán rừng tự nhiên, người dân xã Tung Chung Phố đã đưa cây sa nhân vào trồng, bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế từ loài cây này.
         
Ông Phạm Xuân Thịnh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết, cây Sa nhân không chỉ phát triển mạnh ở xã Tung Chung Phố mà giờ đây đã trở thành cây thế mạnh của toàn huyện Mường Khương. Hiện tại, diện tích cây sa nhân trồng tập trung ở các xã vùng cao như xã Phìn Ngan (60 ha), Nậm Chảy (40 ha) trên diện tích rừng trồng và rừng tái sinh ở một số thôn bản. Vài năm nữa khi sa nhân cho thu hoạch sẽ mang lại lợi nhuận không nhỏ, giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Hiện ngành nông nghiệp huyện Mường Khương khuyến khích đồng bào mở rộng diện tích trồng Sa nhân để tăng thu nhập, mở ra hướng sinh kế lâu dài./.
Hồng Ninh - Cao Hương

Có thể bạn quan tâm