Quảng Trị tập trung phát triển “6 cây, 2 con” chủ lực

Quảng Trị tập trung phát triển “6 cây, 2 con” chủ lực
Thu hoạch cây cà gai leo làm dược liệu ở xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ. Ảnh: Thanh Thủy - TTXVN
 Thu hoạch cây cà gai leo làm dược liệu ở xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ.
Ảnh: Thanh Thủy - TTXVN

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị cho biết, 6 cây chủ lực gồm: Cà phê Arabica, hồ tiêu, cao su, lúa chất lượng cao, cây ăn quả và dược liệu, cây gỗ rừng trồng; 2 con chủ lực gồm bò và tôm nuôi. Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ an toàn, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh obi - ong biển, không sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị phối hợp với doanh nghiệp và các hợp tác xã thực hiện đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Vụ Đông Xuân 2017 - 2018, mô hình sản xuất gần 160 ha lúa hữu cơ ở nhiều địa phương trong tỉnh. Để thực hiện mô hình này, phía doanh nghiệp cung ứng phân bón hữu cơ vi sinh và thu mua toàn bộ lúa với giá 8.000 đồng/kg cho người nông dân. Lúa sản xuất theo mô hình này cho năng suất bình quân 55 tạ/ha, doanh thu đạt 44 triệu đồng/ha, trừ chi phí sản xuất thu lãi gần 30 triệu đồng/ha, cao hơn so với sản xuất lúa thông thường hàng chục triệu đồng/ha.

Ưu tiên của tỉnh Quảng Trị hiện nay là ổn định vùng chuyên canh cây trồng và vật nuôi chủ lực, đồng thời nâng cao giá trị các sản phẩm. Đến tháng 5/2018, tỉnh Quảng Trị đã phát triển được trên 5.100 ha cà phê, tập trung ở huyện miền núi Hướng Hóa; trong đó tỉnh đã xây dựng thương hiệu "Cà phê Khe Sanh".

Đối với vùng chuyên canh hồ tiêu của tỉnh có hơn 2.500 ha, tập trung ở các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và Hướng Hóa. Hồ tiêu Quảng Trị đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Với trên 19.000 ha cao su ở vùng trung du và miền núi, cây cao su đã và đang góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Quảng Trị. Cây ăn quả và dược liệu tập trung phát triển ở huyện Hướng Hóa, Cam Lộ...
Diện tích rừng trồng của tỉnh đã lên đến 75.000 ha rừng, trong đó có trên 22.000 ha rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), chiếm đến 40% tổng diện tích rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ FSC của cả nước. Ở vùng ven biển, tỉnh tập trung phát triển vùng nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao với khoảng 1.500 ha. Bên cạnh đó đàn bò nuôi theo nông hộ và trang trại đã phát triển được gần 65.000 con.

Tỉnh Quảng Trị đã kiến nghị với trung ương hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, thủy lợi, điện để phục vụ sản xuất nông nghiệp; quy hoạch và phát triển vùng nông nghiệp công nghệ cao; quảng bá thương hiệu sản phẩm chủ lực; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp…      
Nguyên Lý

Có thể bạn quan tâm