Nông dân xã Bằng Luân làm giàu nhờ trồng bưởi đặc sản Đoan Hùng

Nông dân xã Bằng Luân làm giàu nhờ trồng bưởi đặc sản Đoan Hùng

Kiểm tra, phân loại quả bưởi trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
Kiểm tra, phân loại quả bưởi trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.
​Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Cách trung tâm thành phố Việt Trì chừng 80km, chúng tôi về xã Bằng Luân - một trong các xã trồng nhiều bưởi nhất ở Đoan Hùng. Lãnh đạo xã Bằng Luân cho biết, là một trong các xã trồng nhiều bưởi nhất ở Đoan Hùng, Bằng Luân có tổng diện tích 170ha đều là giống bưởi đặc sản Đoan Hùng. Cả xã có 1.400 hộ thì có tới 1.200 hộ trồng bưởi đặc sản, hộ ít có vài cây, hộ nhiều có từ 100 cây trở lên đã và đang cho thu hoạch.

Nhờ việc thâm canh, chăm sóc cây bưởi đúng kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, kết hợp với thụ phấn bổ sung nên đã đưa năng suất bưởi tăng cao, bưởi đều quả, mẫu mã đẹp. Bình quân mỗi cây bưởi cho thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng. Nhiều hộ có vườn bưởi đã trở thành tài sản lớn của gia đình với mức thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng/năm.

Thăm vườn bưởi đặc sản Đoan Hùng của gia đình ông Đỗ Văn Chính, xã Bằng Luân. Ông cho biết, năm 1990 sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, ông nung nấu sẽ làm giàu từ cây bưởi đặc sản vốn nổi tiếng từ lâu ở xứ bưởi Đoan Hùng. Sau khi tìm hiểu về kỹ thuật thâm canh cây bưởi, ông Chính đã bàn với vợ và thuê máy ủi về phá bỏ vườn tạp, san gạt cải tạo mảnh vườn 1ha thành các lô để trồng 250 cây bưởi Bằng Luân, đồng thời xây một hệ thống chuồng trại chăn nuôi gà, lợn, bò để lấy phân chăm bón cho bưởi.

Nhờ thực hiện đúng các biện pháp kỹ thuật thâm canh cây bưởi nên bưởi trong vườn nhà ông luôn xanh tốt, tỷ lệ đậu quả cao. Nhiều năm trở lại đây, vườn bưởi của ông đã cho thu hoạch khá cao. Chỉ tính riêng trong năm 2016 vừa qua, vườn bưởi của gia đình ông đã cho thu lãi gần 200 triệu đồng từ 200 gốc bưởi. Còn 50 cây bưởi còn lại ông để bán lẻ và phục vụ cho gia đình. Từ nguồn thu từ bưởi đã giúp gia đình ông nâng cao chất lượng cuộc sống và trở thành hộ có kinh tế khá giả.

Còn ông Vũ Khánh Hiệp, thôn 2, xã Phương Trung, huyện Đoan Hùng cho biết, gia đình có 750 gốc bưởi đặc sản, chủ yếu là bười Sửu và bưởi Bằng Luân, còn một số ít là bưởi diễn và bưởi Khả Lĩnh. Do diện tích trồng bưởi lớn, không có người chăm sóc nên vài trăm trở lại đây gia đình đã phải chuyển 200 gốc bưởi Bằng Luân cho người dân chăm sóc. Đến kỳ thu hoạch thì chia đôi. Còn 550 gốc thì gia đình chăm sóc, đầu tư tự làm nên thu nhập khá cao.

Một góc trang trại trồng bưởi Diễn của gia đình chuẩn bị cho thu hoạch. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN
Một góc trang trại trồng bưởi Diễn của gia đình chuẩn bị cho thu hoạch.
Ảnh: Đình Huệ - TTXVN

Theo tính toán của ông Bích, bình quân mỗi cây bưởi cho thu nhập từ 7 đến 8 triệu đồng. Nếu bán cùng 1 lúc cả 550 cây bưởi thì thu nhập ít nhất cũng được nửa tỷ đồng, chưa kể 200 gốc bưởi gia đình đang cho người dân chăm sóc, lợi nhuận chưa đôi.

Ông Hiệp cho biết thêm, toàn bộ cây bưởi khi cho thu hoạch không cần phải mang đi bán, khách hàng đến đặt mua cả vườn và tự thu hoạch, gia chủ không phải vất vả gì…

Ở Đoan Hùng có 2 loại bưởi chủ yếu: bưởi chua và bưởi ngọt. Riêng bưởi chua lại có loại chua rôn rốt, có loại chua gắt tuỳ theo sở thích của từng người, bưởi chua chấm với muối bột ớt khô, ai ăn cũng phải trầm trồ khen ngợi. Còn bưởi ngọt, tuy mới đầu mùa nhưng cũng đã có nhiều cây chín sớm, múi không to lắm nhưng ráo tay, các tôm bưởi mọng nước căng phồng, ăn ngọt lịm. Nếu đi đường xa hoặc đi làm đồng về mà được mấy múi bưởi thì chắc không có thuốc  nào bằng.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đoan Hùng, hiện địa phương có 1.680 ha trồng bưởi; trong đó diện tích trồng bưởi đặc sản đạt 1.080ha và diện tích bưởi đang cho khai thác là gần 900 ha.

Để giúp người dân phát triển, thâm canh sản xuất bưởi một cách bền vững, tỉnh Phú Thọ, huyện Đoan Hùng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, ứng dụng biện pháp kỹ thuật mới, tiến bộ nhằm để cải tạo phục hồi và phát triển bền vững cho cây bưởi đặc sản Đoan Hùng, đặc biệt là khắc phục tình trạng ra hoa nhưng không đậu quả, khô tôm…

Nhờ biết cách chăm sóc nên hầu hết diện tích bưởi đặc sản ở Đoan Hùng đề cho sản lượng rất cao. Nếu như năm 2010, sản lượng quả chỉ đạt 2.000 tấn thì đến năm 2016, sản lượng đã tăng lên gấp 6 lần với khoảng 12.000 tấn. Giá trị sản phẩm của bưởi Đoan Hùng ước đạt gần 250 tỷ đồng. Bình quân thu nhập khoảng 600 triệu đồng/ha đối với bưởi Sửu Chí Đám, 400 triệu đồng/ha đối với bưởi Bằng Luân.

Ông Nguyễn Minh Xuyên, Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng, cho biết hiệu quả từ chương trình phát triển cây bưởi đặc sản Đoan Hùng đã được khẳng định. Cây bưởi thật sự là cây kinh tế mũi nhọn mang lợi ích kinh tế cao cho nhân dân các dân tộc trong huyện. Nhiều hộ đã thoát nghèo, làm giàu từ cây bưởi. Do đó, huyện tiếp tục chỉ đạo, tập trung mọi biện pháp để bảo vệ, giữ gìn và phát triển thương hiệu bưởi này.

UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt dự án phát triển cây bưởi đặc sản huyện Đoan Hùng với quy mô 1.000ha. Mục tiêu của dự án là đưa cây bưởi Đoan Hùng thành cây chủ lực, cây sản xuất hàng hóa trên đất Đoan Hùng.

Từ nay đến năm 2020, huyện Đoan Hùng phấn đấu trồng mới khoảng 400ha, nâng diện tích bưởi đặc sản lên 1.500ha. Diện tích cho thu hoạch trên 1.100ha. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với huyện Đoan Hùng, Viện Nghiên cứu rau quả, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phân bón mới nhằm cải thiện và nâng năng suất, chất lượng, mẫu mã cho bưởi Đoan Hùng, đồng thời tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, hướng tới xuất khẩu để tăng giá trị kinh tế cho cây bưởi.

Nhờ ngon, ngọt nên bưởi Đoan Hùng đã được gắn thương hiệu đặc sản. Theo đó, bưởi Đoan Hùng đã trở thành thương hiệu đặc sản với tên “Bưởi Đoan Hùng − Hương vị đất tổ”. Hai giống bưởi Sửu Chí Đám và bưởi Bằng Luân trở thành tài sản quốc gia được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn, qua đó giúp người dân yên tâm sản xuất, làm giàu trên cây bưởi.
Tạ Văn Toàn

Có thể bạn quan tâm