Nông dân vùng ngập lũ Mỹ Thành Nam làm giàu từ mô hình đa canh

Nông dân vùng ngập lũ Mỹ Thành Nam làm giàu từ mô hình đa canh
Ông Bùi Văn Khá, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy chăm sóc bò nuôi tại gia đình. Ảnh: Minh Trí - TTXVN.
Ông Bùi Văn Khá, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy chăm sóc bò nuôi tại gia đình. Ảnh: Minh Trí - TTXVN.

Ông Khá cho biết, gia đình ông canh tác 1,5 ha đất lúa mỗi năm ba vụ. Hưởng ứng chủ trương của Nhà nước về áp dụng đồng bộ các kỹ thuật thâm canh tiên tiến để đạt năng suất, sản lượng cao, chất lượng lúa hàng hóa tốt tham gia thị trường xuất khẩu, nhiều năm nay ông sử dụng giống lúa xác nhận, hạt dài, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu để canh tác kết hợp thực hiện quy trình canh tác ba giảm ba tăng, IPM và một phải năm giảm trong quá trình thâm canh, nhờ vậy giảm được chi phí, đạt năng suất cao và đảm bảo hiệu quả kinh tế.

Gần đây, để giải quyết đầu ra ổn định cho sản xuất hàng hóa, tránh tình trạng “trúng mùa, mất giá”,  nông dân thua thiệt, ông Bùi Văn Khá còn đi tiên phong trong việc ký kết hợp đồng sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn ngay từ đầu các vụ với Công ty Lương thực Tiền Giang – một doanh nghiệp kinh doanh lương thực xuất khẩu lớn tại địa phương.

Theo ông Bùi Văn Khá, canh tác trong mô hình cánh đồng lớn, nông dân hưởng nhiều mối lợi như: Được chuyển giao kỹ thuật thâm canh tiên tiến, trình độ canh tác nâng lên, sử dụng giống lúa mới chất lượng cao, được bao tiêu sản phẩm, hiệu quả kinh tế đảm bảo, vừa không phải lo đầu ra khi đến mùa vụ thu hoạch. Theo ông Bùi Văn Khá, vụ Đông Xuân, ông đạt năng suất 90 tạ/ha, vụ Hè Thu sớm đạt năng suất 70 tạ/ha và vụ Hè Thu chính vụ đạt năng suất 70 tạ/ha. Qua ba vụ sản xuất liên tiếp trong năm, ông đạt năng suất 230 tạ/ha. Bán với giá bình quân 5.500 đồng/kg, ông thu được trên 126 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 70 triệu đồng.

Ngoài trồng lúa, ông còn cất chuồng trại chăn nuôi 4 con bò nái và đào 600 m2 ao, mương thả nuôi các loại cá nước ngọt như cá tra, cá tai tượng… để cải thiện đời sống, thêm nguồn sinh lợi đáng kể. Ông Bùi Văn Khá cho biết, trung bình mỗi năm, ông xuất chuồng 3 con bò tơ, thu thêm trên 30 triệu đồng chưa kể nguồn lợi cá nuôi dưới ao. Tính chung, ông thu lãi ròng trên 100 triệu đồng từ mô hình thâm canh lúa kết hợp chăn nuôi.

Nhờ hiệu quả từ mô hình trên, gia đình ông Bùi Văn Khá đã vượt qua khó khăn, trở thành một điển hình làm giàu tại xã vùng ngập lũ Mỹ Thành Nam. Đáng chú ý, ông Bùi Văn Khá còn là tấm gương chung sức xây dựng nông thôn mới và giúp đỡ hộ nghèo nông thôn, được chính quyền, nhân dân địa phương biểu dương. Ông Nguyễn Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành Nam cho hay, trong năm vừa qua, ông Bùi Văn Khá góp hàng chục triệu đồng giúp đỡ trên 10 hộ nghèo nông thôn, ủng hộ phát triển giao thông nông thôn, xóa cầu tre, cầu khỉ… giúp việc đi lại, giao thương ở vùng nông thôn ngày càng thuận lợi, dễ dàng. Từ đó, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới. Với những thành tích trên, trong các năm 2016, 2017, ông Bùi Văn Khá được tuyên dương nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Minh Trí

Có thể bạn quan tâm