Nâng cao hiệu quả lò sấy nông sản từ thiết bị phụ trợ

Nâng cao hiệu quả lò sấy nông sản từ thiết bị phụ trợ
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh đang đẩy mạnh tích tụ ruộng đất trên cơ sở tổ chức dồn đổi, dịch chuyển diện tích đất nông nghiệp, xây dựng mô hình thửa ruộng lớn. Đồng thời hướng tới cơ cấu mùa vụ sản xuất phù hợp, mở rộng diện tích trồng lúa hàng hóa xuất khẩu từ 20 ha lên 300 ha vào năm 2020. Hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, bền vững, yêu cầu về chất lượng hạt lúa ngày càng cao. Tuy nhiên, người dân thường thu hoạch lúa vào các đợt mưa bão, diện tích sân phơi ở nhiều địa phương nhỏ hẹp nên gặp nhiều khó khăn trong khâu phơi lúa, dẫn tới chất lượng hạt lúa không cao và dễ bị ép giá. Do đó, năm 2014, Hợp tác xã Hợp Tiến đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình hỗ trợ một máy sấy nông sản để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Sau quá trình đưa máy sấy nông sản vào hoạt động, dựa trên tình hình thực tế, ông Hoàng Tuấn Anh (hiện là Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Nhạc) đánh giá nếu trước đây, sau khi thu hoạch lúa xong, nông dân phải đem về để hong, phơi cho lúa khô, những năm gần đây nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật, máy sấy lúa ra đời đã giải quyết vấn đề này cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các lò sấy nông sản thực hiện theo phương pháp vỉ ngang ở Việt Nam đều được thiết kế với công suất lớn từ 10 tấn/mẻ trở lên. Trong quá trình vận hành lò sấy, công tác đưa nông sản vào, ra khỏi lò, đóng bao, làm sạch nông sản nếu thực hiện thủ công sẽ tốn nhiều công lao động, kéo dài thời gian, làm tăng giá thành sấy, giảm công suất lò dẫn đến không đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Đáng chú ý là một số hệ thống máy móc không kiểm soát được lượng khói bụi, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động.

Xuất phát từ thực tiễn sản xuất, năm 2015, ông Hoàng Tuấn Anh đã nghiên cứu, tìm hiểu, chế tạo và lắp đặt hệ thống thiết bị phụ trợ phục vụ cho lò sấy nông sản vỉ ngang. Hệ thống thiết bị này gồm các phụ kiện như tời dây cáp với công suất động cơ 1,5KW/giờ có tác dụng kéo nông sản ra khỏi lò; gầu tải băng chuyền có công suất 10 tấn/giờ để đưa lúa lên cao 4m so với sàn lò sấy; máy hút làm sạch nông sản công suất động cơ 0,75 KW/giờ (toàn bộ bụi và tạp chất nhẹ được hút và đẩy theo đường ống ra xa lò sấy 15m, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động) và 1 bộ phận chứa nông sản để đóng bao và cân nông sản.

Ông Hoàng Tuấn Anh cho biết: “Quy trình sấy nông sản sau khi lắp đặt hệ thống thiết bị phụ trợ sẽ giảm đáng kể công lao động ở khâu đưa nông sản vào và đóng bao thành phẩm nông sản sau sấy. Nông sản sau khi được sấy đảm bảo độ săn khô được dây cáp kéo ra khỏi lò sấy. Gầu tải tải nông sản lên cao 4m rót vào mát hút làm sạch nông sản. Nông sản sau khi làm sạch tạp chất được chảy xuống phễu để đóng bao, cân và xếp kho. Hệ thống thiết bị phụ trợ này giúp đảm bảo môi trường và sức khỏe cho người lao động khi được lắp đặt bộ phận hút bụi và tạp chất ở nông sản”.

Sáng kiến này sau khi được áp dụng tại Hợp tác xã Hợp Tiến đã cho hiệu quả rất cao. Qua so sánh nhận thấy, khi áp dụng thiết bị phụ trợ vào lò sấy đã tiết kiệm được hơn 1,7 triệu đồng/mẻ sấy, giúp giảm giá thành sấy từ 475 đồng/kg xuống còn 302 đồng/kg, rút ngắn được 5 giờ/mẻ sấy. Bên cạnh đó, nông sản đi qua máy rê hút làm sạch đã giảm tối đa bụi, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động.

Đánh giá cao hiệu quả của thiết bị phụ trợ lò sấy nông sản vỉ ngang, ông Hoàng Trọng Phu, Giám đốc Hợp tác xã Hợp Tiến cho biết: “Hệ thống thiết bị phụ trợ này được chế tạo và lắp đặt đơn giản, chi phí thấp, không chiếm nhiều diện tích, mang lại hiệu quả kinh tế cao và có thể ứng dụng cho tất cả các lò sấy vỉ ngang. Đặc biệt thiết bị này rất phù hợp với các đơn bị hợp tác xã, doanh nghiệp và hộ tư nhân chưa có điều kiện lắp đặt các máy sấy tuần hoàn theo mẫu của các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc…” ./.
Thùy Dung

Có thể bạn quan tâm