Mô hình điểm phát triển cây đặc sản quýt vàng Bắc Sơn

Mô hình điểm phát triển cây đặc sản quýt vàng Bắc Sơn
Ảnh minh họa - TTXVN
Ảnh minh họa - TTXVN

Như nhiều gia đình nông dân khác, gia đình anh Lương chủ yếu làm nông nghiệp với các loại cây truyền thống như ngô, khoai, sắn, lạc và kết hợp thêm chăn nuôi nhỏ lẻ để phục vụ nhu cầu đời sống. Sau nhiều năm phát triển kinh tế gia đình theo hình thức cũ: trồng trọt, chăn nuôi mang tính nhỏ lẻ, kinh tế gia đình anh Lương vẫn khó khăn. Vì vậy, anh Lương đã bàn bạc với vợ con quyết định chuyển đổi hình thức canh tác, từ trồng cây nông nghiệp ngắn ngày sang trồng cây ăn quả kết hợp với làm vườn, chăn nuôi khép kín, lấy ngắn nuôi dài, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Qua quá trình tìm hiểu, anh quyết định chọn giống cây quýt đặc sản địa phương để trồng vì đây là loại cây cho hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với khí hậu, đất đai; kết hợp với chăn nuôi trâu bò, lợn, gia cầm… Gia đình một ha đất canh tác ven núi phù hợp để trồng Quýt. Ban đầu, gia đình anh chưa dám trồng toàn bộ diện tích bởi chưa dám khẳng định hiệu quả. Anh Lương cho biết: Quýt Bắc Sơn có hai loại quả tròn và quả dẹt, tùy theo đặc điểm thổ nhưỡng của nơi trồng. Quýt quả tròn khi chín có màu vàng ươm, vỏ mỏng, dóc vỏ, ít sơ, vị ngọt đậm, thơm, trọng lượng 80-150g, khi bóc có lỗ rỗng ở giữa quả. Quýt quả dẹt có hai đầu lõm, hình hơi dẹt, khi chín có màu vàng ươm, vỏ dày hơn, khó bóc, vị chua và cũng ít sơ. Trọng lượng quả trung bình 100–150g. Quýt Bắc Sơn ưa ánh sáng tán xạ, độ ẩm vừa phải, thích hợp với thời tiết lạnh và khô nên sinh trưởng tốt nhất trong các khe núi, thung lũng thuộc vùng núi đá, độ cao 500 – 700 m so với mực nước biển.

Ban đầu, gia đình anh Lương trồng thử 150 cây, sau một năm thấy cây quýt phát triển tốt. Đến năm 2002, gia đình anh tiếp tục trồng thêm 180 cây, năm sau trồng thêm 200 cây. Lấy ngắn nuôi dài và ổn định cuộc sống của gia đình, anh Lương kết hợp với việc chăn nuôi, tạo phân bón cho trồng trọt và nuôi thêm trâu, bò, lợn, gà và trồng thêm ngô để chăn lợn, gà. Đến nay, diện tích quýt đã cho thu nhập tốt.
Từ 1 ha đất lân, lũng ban đầu, nhờ thu nhập từ quýt và kết hợp nhiều mô hình phát triển kinh tế, hiện nay tổng diện tích đất sản xuất của gia đình anh Lương là 2,5 ha.

Trong đó, anh dùng 2 ha đất để trồng quýt, 0,5 ha còn lại trồng cỏ voi làm thức ăn cho trâu, bò. Hiện gia đình anh Lương có 5 con trâu nuôi vỗ béo, 30 con lợn và 200 con gà. Học tập gia đình anh Lương, nhiều hộ dân trong thôn đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình cây trồng, tập trung vào trồng quýt vàng đặc sản và dần tạo thành vùng trồng quýt chủ lực của huyện Bắc Sơn. Mùa quýt chín vào khoảng cuối tháng 11 dương lịch đến tháng 1 năm sau, cũng là thời điểm giáp Tết Âm lịch. Thông thường, quýt được thương lái thu mua với giá khoảng 15.000 đến 20.000 đồng/kg. Vào những ngày giáp Tết âm lịch, giá có thể lên đến 30.000 đồng hoặc 40.000 đồng/kg. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp huyện Bắc Sơn, hiện toàn huyện có hơn 500 ha quýt. Quýt Bắc Sơn được thị trường ưa chuộng và đem lại lợi ích kinh tế cao, người dân đã học tập nhau trồng quýt, mở rộng diện tích trồng mỗi năm.

Hàng năm, anh Lương tham gia các lớp tập huấn, áp dụng khoa học kỹ thuật cùng với nông dân do Trạm Khuyến nông huyện Bắc Sơn tổ chức thực hiện, về chăm sóc, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch đảm bảo thời vụ. Năm 2016, gia đình anh thu hơn 400 triệu đồng. Theo tính toán, đến hết năm 2017, nếu giá cả ổn định, thời tiết thuận lợi, không bị sâu bệnh, thu nhập sau khi trừ chi phí của gia đình anh Lượng từ cây quýt, ngô, lạc và chăn nuôi ước đạt 450 triệu đồng.

Ông Dương Công Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Chiến Thắng cho biết: Bên cạnh việc duy trì phát triển kinh tế hộ gia đình, anh Lương cùng gia đình luôn chấp hành tốt mọi chủ trương của Đảng, Chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy ước, huong ước thôn bản, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ về vốn cho bà con trong thôn có hoàn cảnh khó khăn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Anh Lương được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, hộ gia đình phát triển kinh tế giỏi điển hình tiêu biểu, được Hội Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn chọn làm mô hình điểm về vườn cây quýt vàng Bắc Sơn cho bà con học hỏi và làm theo.

Anh Lương là một trong những người đầu tiên trong xã Chiến Thắng thành lập Hợp tác xã kiểu mới lấy tên là “Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Hồng” với 17 thành viên. Hợp tác xã sẽ phát triển sản xuất cây ăn quả, bước đầu là đặc sản quýt vàng Bắc Sơn theo chương trình VietGap nhằm tạo thương hiệu, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Anh Lương cho biết: Phát triển trồng cây quýt đặc sản theo hướng VietGap không chỉ là mong muốn của các thành viên Hợp tác xã mà còn là mong muôn của tất cả người dân trong vùng, có như vậy mới giữ được giá ổn định, bà con yên tâm sản xuất, tránh được tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa./.
Hoàng Nam

Có thể bạn quan tâm