Làm giàu từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Làm giàu từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Ông Ha Hang (trái) cùng cán bộ nông nghiệp huyện Lạc Dương trao đổi về chất lượng hoa cẩm tú cầu
Ông Ha Hang (trái) cùng cán bộ nông nghiệp huyện Lạc Dương trao đổi về chất lượng hoa cẩm tú cầu
Trước, ông Ha Hang trồng cà phê, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, mưa thuận - gió hòa hay mưa dầm - nắng hạn, mỗi năm cũng chỉ thu được một mùa. “Làm giàu không khó!’ - ông Ha Hang khẳng định - “Bỏ công làm là có!”… Năm 2013, ông được hỗ trợ vốn, ống nước, máy tưới để trồng 1 sào póxôi trong nhà lồng. Sau đó, ông tăng lên 2 sào, vay vốn ngân hàng 300 triệu đồng, diện tích san ủi làm nhà lồng tăng dần lên mỗi năm. Gia đình ông Ha Hang trồng lơ, cẩm tú cầu, salem, hướng dương, mắt ngọc… Ông tính, salem hồi tết bán được 30 ngàn đồng/kg; mắt ngọc trồng 6 tháng, cắt cành trong 2-3 năm, thu khoảng 2 chục triệu đồng/tháng, chi phí khoảng 10% cộng với chi phí ban đầu khoảng 250 triệu đồng…
Ông còn kết hợp chăn nuôi để tận dụng nguồn phân bón với khoảng 30 con heo, 7-8 con bò thịt, đàn trâu gần 40 con và rất nhiều gà. Ông đang dự tính sẽ phá bỏ tiếp 1ha cà phê để trồng rau, hoa và mở rộng chăn nuôi. Ông cho biết: “Nếu năm nay hỏng thì sang năm làm lại, chứ bán đất là thất bại”. Vì vậy, không giống như nhiều gia đình người DTTS trong vùng thường bán bớt đất để có tiền đầu tư phát triển sản xuất theo mô hình NNCNC (san ủi mặt bằng, xây dựng nhà lồng, ống tưới…), chỉ qua mấy năm, ông Ha Hang đã mua thêm được 2ha đất…
Nhờ các nguồn vốn từ Chương trình NNCNC; Đề án nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi; Vốn sự nghiệp nông nghiệp; vốn khoa học công nghệ… 5 năm qua, huyện Lạc Dương đã xây dựng được 38 mô hình ứng dụng NNCNC, như mô hình của gia đình ông Ha Hang, để trồng rau - hoa trong nhà kính, sử dụng hệ thống tưới phun tự động ngoài trời… Nhưng, chỉ khoảng 10 mô hình cho hiệu quả tốt, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập, ổn định đời sống người dân..., như mô hình trồng rau trong nhà kính cho doanh thu 15 triệu đồng/sào, lãi 7 triệu đồng/1,5 tháng; mô hình trồng hoa cát tường đạt 4.000 kg/sào, lợi nhuận 100 triệu đồng/6 tháng; mô hình trồng hoa cúc trong 3 tháng lãi 12-15 triệu đồng/sào…
Với mỗi đơn vị diện tích khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất rau, hoa theo hướng ứng dụng CNC đã giúp nâng cao thu nhập cho người dân, nên nhiều người đã mạnh dạn mở rộng diện tích, tự đầu tư nhà kính và hệ thống tưới tự động… Ngoài gia đình ông Ha Hang, còn có gia đình ông Krong (thôn Long Lanh - xã Đạ Chais), ông Noa (thôn Đăng Kia - TT Lạc Dương), ông Ha Tây (thôn Đatro - xã Đạ Nhim)… Đặc biệt, có gia đình ông Păng Tin Sing (thôn Bon Đưng 1, TT Lạc Dương) đã mạnh dạn tự đầu tư 5 sào trồng hoa hồng trong nhà kính đem lại thu nhập cao gấp 2-3 lần... Trung tâm Nông nghiệp huyện cũng liên kết với Công ty Ngọc Mai Trang, HTX Anh Đào, Ladophar để tiêu thụ sản phẩm rau, hoa, atiso ổn định cho bà con… Tuy nhiên, do nguồn vốn ít, nên mỗi xã chỉ có 2-3 hộ đồng bào DTTS được đầu tư nhà kính và nhân rộng được 1-2 mô hình/xã người dân tự đầu tư…
Ông Phạm Triều - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương đánh giá: Chương trình NNCNC của huyện cho hiệu quả thiết thực, nhiều hộ mạnh dạn vay vốn, có hộ đạt doanh thu đến 500 triệu đồng/năm. Huyện đang khuyến khích bằng cách sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ người dân. Nghị quyết chuyên đề của huyện, trong 5 năm tới, về phát triển NNCNC trong vùng đồng bào DTTS là chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp và phát triển hợp lý; đồng thời, kết nối người sản xuất và các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho bà con…
Báo Lâm Đồng

Có thể bạn quan tâm