Khôi phục nghề đan lát truyền thống, giúp đồng bào dân tộc nâng cao thu nhập

Khôi phục nghề đan lát truyền thống, giúp đồng bào dân tộc nâng cao thu nhập
Một trong những người làm nghề đan lát lâu năm nhất ở thôn Pác Ma là ông Lâm Triệu Vàng (82 tuổi). Ông Vàng cho biết: Sinh ra ở Pác Ma, từ nhỏ, ông đã được dạy nghề đan lát. Ông có thể đan được các sản phẩm như: Nong, nia, sàng, sảy, bồ đựng gạo... Mọi công đoạn ông đều tự làm một mình, từ lên đồi chặt tre đến phơi tre, chẻ nứa, đan lát… Hồi còn trẻ, ông vẫn tự mình gánh sản phẩm đi bộ ra ga Bản Thí, bắt tàu lên các phiên chợ ở thành phố Lạng Sơn, ở các huyện Chi Lăng, Cao Lộc, Hữu Lũng để bán. Bây giờ tuổi đã cao, ông Vàng chỉ mang các sản phẩm ra trung tâm xã Chiến Thắng cho thương lái thu mua.

Theo ông Vàng, để làm ra một sản phẩm đan lát hoàn chỉnh, tính từ lúc lên rừng chặt cây đến lúc ra thành phẩm mất khoảng một ngày. Cây tre được chặt về rồi chẻ ra thành từng lát, phơi khô và trước khi đan sẽ ngâm nước. Đan một chiếc nong hay một chiếc nia rồi đem phơi một buổi nắng cũng mất khoảng 6 giờ đồng hồ. Một chiếc nong được bán với giá 120 nghìn đồng, một chiếc nia bán được 80 nghìn đồng. Trung bình một tháng, ông Vàng thu được hơn 1 triệu đồng từ bán các sản phẩm đan lát.

Ông Tô Văn Lễ, Phó Chủ tịch UBND xã Chiến Thắng (huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) cho biết: Xã Chiến Thắng có 9 thôn trong đó có thôn Pác Ma nổi tiếng với nghề đan lát từ các nguyên liệu như mây, tre, nứa...  Đây là nghề truyền thống của người dân trong thôn Pác Ma, trong thôn có gần 10 hộ làm nghề này từ nhiều năm nay. Các sản phẩm đan lát của người dân thôn Pác Ma được người tiêu dùng ưa chuộng và bày bán tại nhiều chợ lớn tại thành phố Lạng Sơn và các huyện. Nhiều thôn xung quanh cũng học nghề đan lát của người dân thôn Pác Ma. UBND xã khuyến khích và tạo điều kiện để các hộ dân tham gia làng nghề phát triển kinh tế làm giàu cho bản thân và quê hương. Xã  tích cực giúp người dân tìm "đầu ra" cho sản phẩm, tạo điều kiện để thương lái vào thu mua sản phẩm đan lát.

Là xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, nhiều năm qua, xã Chiến Thắng được Nhà nước đầu tư xây dựng điện, đường, trường học, trạm xá... Nhờ đó, đời sống người dân từng bước thay đổi. Nếu như trước đây, nhiều mặt hàng nông, lâm sản khó tiêu thụ do việc vận chuyển khó khăn, nay thương lái đã đến tận thôn, bản thu gom.

Trước đây, người dân trong thôn Pác Ma gần như biệt lập với bên ngoài bởi chưa có đường đi lại thuận tiện ra trung tâm xã. Con đường ngắn nhất từ đây đến quốc lộ 1A, gần ga Bản Thí để có thể buôn bán giao thương phải mất 3 giờ đồng hồ trèo đèo lội suối. Giờ đây, nhờ có nguồn vốn của Chương trình 135 dành cho những xã đặc biệt khó khăn, con đường từ quốc lộ 1A đến trung tâm xã Chiến Thắng đã được cứng hóa, người dân có thể sử dụng các phương tiện giao thông để đến thành phố Lạng Sơn trong hơn 1 giờ đồng hồ. Dù vậy, từ trung tâm xã Chiến Thắng vào thôn Pác Ma vẫn còn là đường đất, đi qua nhiều dốc cao, vực sâu. Thôn Pác Ma vẫn còn nhiều đồi tre, nứa, trúc, vầu… Đây chính là nguồn nguyên liệu cho nghề đan lát của người dân phát triển.

Ông Hoàng Văn Đức, Trưởng thôn Pác Ma cho biết: Hiện nay thôn có 85 hộ dân, gần như tất cả đều biết nghề đan lát, trong đó có hơn 30% số hộ thường xuyên có sản phẩm cung cấp ra đến cho chợ Kỳ Lừa, Giếng Vuông ở thành phố Lạng Sơn hay chợ Bản Ngà tại huyện Cao Lộc.

Chủ tịch UBND xã Chiến Thắng Lâm Văn Quý cho biết: Hiện nay, không chỉ có người dân thôn Pác Ma còn giữ được nghề đan lát mà một số thôn, bản khác trong xã cũng đang từng bước khôi phục nghề truyền thống này. Tuy nhiên, dù nghề đan lát đã có từ lâu đời nhưng số lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường còn khiêm tốn. Một số hộ dân coi đây là nghề phụ nên chưa đầu tư làm ra những sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong thời gian tới, xã sẽ vận động người dân thành lập các tổ, nhóm cùng liên kết sản xuất những sản phẩm tinh xảo hơn./.
Hoàng Nam

Có thể bạn quan tâm