Hơn 30% diện tích thanh long Bình Thuận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP

Hơn 30% diện tích thanh long Bình Thuận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP
Thanh long xuất khẩu Mỹ phải theo quy trình khép kín. Ảnh :Phạm Hồng Nhung - TTXVN
Thanh long xuất khẩu  Mỹ phải theo quy trình khép kín.
Ảnh :Phạm Hồng Nhung - TTXVN
Bình Thuận hiện có hơn 29.000 ha thanh long với sản lượng khoảng 600.000 tấn/năm. Trái thanh long trở thành cây trồng chủ lực, có giá trị xuất cao của tỉnh. Từ năm 2009 đến nay, chương trình sản xuất thanh long an toàn theo hướng VietGAP đã từng bước làm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của nông dân, thúc đẩy nông dân ứng dụng khoa học công nghệ phù hợp với yêu cầu sản xuất thực tiễn và xu thế phát triển hiện nay. Một số nhà vườn cho biết vài năm trước đây vì sản xuất thanh long theo VietGAP tốn nhiều công sức như: tuân thủ quy định vệ sinh, ghi chép nhật ký canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình… nhưng giá bán không chênh lệch nên nhiều nông dân không mặn mà sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, thời gian gần đây trải qua nhiều đợt thanh long rớt giá mạnh, hàng tấn trái không có người mua nhưng thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP vẫn tiêu thụ, xuất khẩu bình thường với giá cả ổn định khiến nhiều hộ nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm bền vững hơn.   Theo Trung tâm Nghiên cứu phát triển cây thanh long tỉnh Bình Thuận, từ đầu năm 2018 đến nay, diện tích cây thanh long được công nhận trồng theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh Bình Thuận là hơn 10.000 ha (tăng hơn 500 ha so với năm 2017), chiếm hơn 30% diện tích toàn tỉnh; trong đó, huyện Hàm Thuận Nam có diện tích thanh long được công nhận VietGAP nhiều nhất với gần 6.000 ha, tiếp đến là huyện Hàm Thuận Bắc 3.500 ha và huyện Bắc Bình 340 ha… Toàn tỉnh có gần 450 tổ, nhóm, trang trại, hợp tác xã và hàng nghìn hộ gia đình sản xuất thanh long theo chuẩn VietGAP. Một tín hiệu vui là ngày càng có nhiều nông dân tự nguyện, đăng ký tham gia sản xuất theo chuẩn này. Sản xuất thanh long theo hướng VietGAP đang ngày càng tạo ra môi trường sản xuất bền vững và hiệu quả. Tuy nhiên, vì quy trình sản xuất khắt khe, tốn nhiều công sức nên hiện nay vẫn còn một số bộ phận người dân còn e dè, thờ ơ với VietGAP. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, để mở rộng hơn nữa diện tích thanh long trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng và quy trình sản xuất nông sản an toàn. Đồng thời, ngành nông nghiệp phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh vận động các doanh nghiệp, cơ sở thu mua thanh long VietGAP cho nông dân; trong đó ưu tiên, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thu mua sản phẩm thanh long sản xuất theo VietGAP được tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với các tổ nhóm sản xuất thanh long để xây dựng chuỗi giá trị thanh long...
Hồng Hiếu

Có thể bạn quan tâm