Hiệu quả từ trồng na trên đồi đất dốc Yên Sơn

Hiệu quả từ trồng na trên đồi đất dốc Yên Sơn
Những năm 1960, cây na được những người đi khai hoang từ tỉnh Hà Tây (cũ) mang lên xã Lực Hành trồng trong vườn nhà. Ban đầu, mỗi hộ trồng vài cây lấy quả ăn, ăn không hết, người dân Lực Hành đem na ra chợ bán và không ngờ na Lực Hành được người tiêu dùng ưa chuộng và được giá cao. Thấy cây na dễ trồng, mang lại hiệu quả kinh tế, người dân xã Lực Hành đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích đất đồi dốc, soi bãi kém hiệu quả sang trông na để phát triển kinh tế.

Gia đình ông Nguyễn Chi Trung, thôn Minh Khai, xã Lực Hành hiện có hơn 400 cây na, mỗi năm gia đình ông thu hoạch trên 4 tấn quả. Với giá bán trung bình 20.000 đồng/kg, trừ hết chi phí gia đình ông Trung thu lãi  trên 60 triệu đồng/năm.

Ông Trung cho biết, so với một số cây trồng khách như ngô, mía, sắn…,  cây na mang lại hiệu kinh tế cao hơn gấp 4-5 lần. Để nâng cao giá trị của cây na, nhiều năm trở lại đây người trồng na ở xã Lực Hành đã áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như cắt tỉa cành, tạo tán, sử dụng phân bón có nguồn gốc sinh học. Đặc biệt là thụ phấn nhân tạo cho cây na để cây ra quả và thu hoạch theo ý muốn,tăng năng suất và tạo ra sản phẩm không chỉ có mẫu mã đẹp mà còn có chất lượng thơm ngon, an toàn.

Hiệu quả từ trồng na trên đồi đất dốc Yên Sơn ảnh 1
Nhờ cây na dai mà nhiều hộ dân xoá được đói, giảm được nghèo, từng bước vươn lên làm giàu. Ảnh minh họa: tapchitaichinh.vn
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều năm qua sản phẩm na của xã Lực Hành được khách hàng nhiều nơi ưa chuộng. Sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ hết ngay đến đó.

Anh Nguyễn Văn Đào, thương lái ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái cho biết, hơn 10 năm nay cứ đến mùa na anh lại đến Lực Hành để thu mua vì na Lực Hành có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp được người dân Yên Bái rất tin dùng.

Hiện nay xã Lực Hành có khoảng trên 90 ha diện tích trồng na, sản lượng đạt gần 700 tấn, năm 2016 doanh thu từ bán na đạt hơn 8,5 tỷ đồng. Nhờ trồng và bán na, nhiều hộ dân đã thoát nghèo và trở thành hộ khá, giàu.

Ông Hoàng Văn Kế, Chủ tịch UBND xã Lực Hành, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cho biết, nhiều năm trở lại đây, cây na được xác định là cây mũi nhọn để phát triển kinh tế của địa phương. Thời gian tới xã vẫn duy trì diện tích hiện có, đồng thời tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang có nhiều vùng đất đai phù hợp với phát triển cây ăn quả. Hiện nay huyện đã có quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh cây ăn quả đặc sản, chất lượng cao bao gồm các xã Xuân Vân, Lực Hành, Quý Quân, Phúc Ninh, Thắng Quân và xã Tứ Quận. Bên cạnh việc hỗ trợ người dân về nguồn vốn, kỹ thuật chăm sóc… huyện cũng tích cực quảng bá sản phẩm, lên kế hoạch đăng ký nhãn hiệu và chất lượng hàng hóa cho sản phẩm nhằm nâng cao giá trị kinh tế , mở rộng thị trường tiêu thụ cho người dân./.
Quang Cường 

Có thể bạn quan tâm