Hiệu quả mô hình liên kết trồng rừng tại Tuyên Quang

Hiệu quả mô hình liên kết trồng rừng tại Tuyên Quang
Thực hiện chính sách phát triển rừng, ổn định vùng nguyên liệu giấy trên địa bàn, từ năm 2016, Công ty cổ phần Nguyên liệu giấy An Hòa đã thực hiện Chương trình cho cây giống để người dân trồng, phát triển rừng. Sau 2 năm triển khai, đã có 1.300 hộ tham gia trồng rừng với tổng diện tích rừng được trồng mới hơn 3.250 ha. Trong 2 năm 2016- 2017, công ty đã hỗ trợ hơn 5,3 triệu cây giống cho các hộ dân tại các huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên, Sơn Dương, Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang. Bà Vũ Thị Nhung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nguyên liệu giấy An Hòa cho biết, ngoài hỗ trợ cây giống, công ty còn hỗ trợ người dân toàn bộ chi phí thiết kế kỹ thuật và không yêu cầu các hộ phải ký cam kết bán gỗ cho công ty sau khi khai thác. 
Công ty cổ phần Nguyên liệu giấy An Hoà chủ động trồng cây lâm nghiệp tạo nguồn nguyên liệu ổn định. Ảnh: anhoapaper.vn
Công ty cổ phần Nguyên liệu giấy An Hoà chủ động trồng cây lâm nghiệp tạo nguồn nguyên liệu ổn định. Ảnh: anhoapaper.vn
Để thực hiện chính sách phát triển rừng, ổn định vùng nguyên liệu giấy trên địa bàn, hàng năm, công ty đều cử cán bộ phối hợp với UBND các xã, trưởng các thôn bản tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ gia đình đăng ký tham gia trồng rừng nguyên liệu giấy với công ty. Đến kỳ thu hoạch, công ty sẽ trực tiếp mua gỗ nguyên liệu với các hộ dân và giá mua bằng hoặc cao hơn giá thị trường. Trong quá trình mua gỗ nguyên liệu, công ty thực hiện phương thức thanh toán đơn giản, chi trả tiền cho các hộ ngay sau khi có xác nhận của trạm cân. Vụ trồng rừng năm 2017, gia đình anh Vũ Văn Xuân, thôn Tân Biên 2, xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang được Công ty cổ phần Nguyên liệu giấy An Hòa hỗ trợ hơn 20 nghìn cây keo giống với giá trị trên 23 triệu đồng để trồng 9 ha rừng. Với nguồn hỗ trợ cây giống cũng như được tư vấn kỹ thuật làm đất, đào hố, bón phân theo quy trình, gia đình anh Xuân đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí sản xuất và không phải ký kết giàng buộc với công ty. Anh Xuân chia sẻ, trước đây gia đình anh tự tìm mua cây giống trên thị trường và không áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc rừng nên cây phát triển chậm, sản lượng thấp. Năm 2017, được Công ty cổ phần Nguyên liệu giấy An Hòa cho cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng đúng quy trình kỹ thuật, sau gần 1 năm trồng, toàn bộ 9 ha rừng của gia đình anh đang phát triển rất tốt. Ngoài chương trình hỗ trợ cây giống, kỹ thuật cho người trồng rừng, những năm qua các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang còn thực hiện nhiều hình thức liên doanh, liên kết với công nhân, người dân trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.
Công nhân Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tuyên Bình chăm sóc rừng trồng. Ảnh: baotuyenquang.com.vn
Công nhân Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tuyên Bình chăm sóc rừng trồng. Ảnh: baotuyenquang.com.vn
Thực hiện mô hình liên doanh, liên kết trồng rừng với người dân từ năm 2006, đến nay Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tuyên Bình đang có hơn 1.250 ha rừng liên kết với công nhân và các hộ dân ở địa bàn 6 xã của huyện Yên Sơn. Hiện nay, công ty đang thực hiện mô hình liên kết trồng rừng theo phương thức công ty đầu tư giống, phân bón, thiết kế kỹ thuật và quản lý chung, người dân bỏ nhân công chăm sóc, bảo vệ, khai thác, khi kết thúc chu kỳ khai thác sẽ chia sản phẩm theo theo tỷ lệ đầu tư của mỗi bên. Ông Bùi Thu Thủy, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTN Lâm nghiệp Tuyên Bình cho biết, từ khi có cơ chế trồng rừng liên doanh, công ty tiết kiệm được chi phí khi giảm một lượng lớn nhân công bảo vệ rừng. Khi thực hiện liên doanh, các hộ coi khu rừng là tài sản của mình nên việc chăm sóc, bảo vệ rừng được tốt hơn, hạn chế mất mát. Nếu như trước đây, mỗi ha rừng chỉ cho sản lượng gỗ khai thác từ 60 - 70 m3/ha thì nay đã tăng lên 90 - 100 m3/ha. Sản lượng gỗ tăng giúp thu nhập của các hộ trồng rừng tăng lên. Thực hiện liên kết trồng rừng cũng tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân. Hiện nay, các công ty lâm nghiệp cũng như các doanh nghiệp chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã và đang  thực hiện một số hình thức liên doanh, liên kết trồng rừng như: liên kết giữa các công ty lâm nghiệp với các hộ dân; liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến với các hộ dân; liên kết giữa các công ty chế biến với nhóm hộ trong quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng; liên kết giữa các công ty lâm nghiệp của tỉnh với công ty chế biến... Ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang cho biết, hình thức liên doanh, liên kết trồng rừng khiến diện tích rừng trồng tăng hàng năm, thu nhập của người dân được nâng cao, đồng thời phá vỡ sự độc quyền trong tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, khi thực hiện liên kết, các doanh nghiệp cũng rất chủ động về nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến của mình. Việc liên doanh, liên kết tạo thành chuỗi giá trị khép kín từ trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm và luôn đảm bảo hài hòa về lợi ích giữa các bên. Nhiều năm trở lại đây, tỉnh Tuyên Quang luôn là một trong những tỉnh có độ che phủ rừng lớn nhất cả nước. Kinh tế rừng đang dần khẳng định được vai trò và thế mạnh trong phát triển kinh tế của người dân Tuyên Quang. Chính sách hỗ trợ cây giống trồng rừng và liên doanh, liên kết trồng rừng giữa của công ty và người dân đã góp thêm động lực để người dân gắn bó lâu dài, bền vững với rừng.
                   Quang Cường

Có thể bạn quan tâm