Độc đáo mô hình trồng rau rừng chuẩn VietGap của ông Lê Văn Dĩ

Độc đáo mô hình trồng rau rừng chuẩn VietGap của ông Lê Văn Dĩ
Ông Lê Văn Dĩ chăm sóc vườn rau. Ảnh : Lê Đức Hoảnh
Ông Lê Văn Dĩ chăm sóc vườn rau. Ảnh :  Lê Đức Hoảnh
Ông Dĩ cho biết, trước khi bén duyên với nghề trồng rau rừng, gia đình ông đã có kinh nghiệm gần 10 năm bằng nghề trồng các loại rau thơm, rau gia vị. Ông hiểu rất rõ đặc tính đối với từng cây rau. Việc trồng rau gia vị không hề đơn giản bởi dù hiểu về rau nhưng gia đình ông vẫn thường xuyên bị lâm vào cảnh thua lỗ vì được mùa mất giá, được giá thì lại mất mùa. Sẵn nghề tay trái là hái rau rừng ven sông Vàm Cỏ Đông hằng ngày để kiếm thêm thu nhập ngoài công việc chính, ông Dĩ nhận thấy cây rau rừng ngày càng nguy cấp bởi vùng đất Trảng Bàng đang trên đà công nghiệp hóa, nhiều nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp hình thành, dần dần các khu ven sông được cải tạo để phục vụ nhu cầu về phát triển kinh tế xã hội, vì thế những cây rau rừng tự nhiên đã nhanh chóng thưa dần theo thời gian. Trong khi đó, nhu cầu của người dân về nguồn rau rừng sạch ngày càng lớn, đặc biệt rau rừng từ lâu được biết đến là loại rau không thể thiếu khi ăn kèm với món bánh canh và bánh tráng Trảng Bàng (đặc sản nổi tiếng ở Tây Ninh).
Cho thu nhập cao từ trồng rau rừng đặc sản trong vườn nhà ông Dĩnh. Ảnh: Lê Đức Hoảnh
 Cho thu nhập cao từ trồng rau rừng đặc sản trong vườn nhà ông Dĩnh.
Ảnh:  Lê Đức Hoảnh
Do nguồn cung ngày càng cạn kiệt, không muốn thấy cảnh cây rau rừng biến mất ngoài tự nhiên, ông Dĩ bắt đầu lặn lội tìm kiếm, bứng từng cây về thuần dưỡng thử tại khu vườn của nhà mình; thấy cây rau rừng phát triển tốt trên đất nhà, nên ông đã mạnh dạn chiết cành để nhân giống. Điểm đặc biệt của cây rau rừng là tính tự nhiên hoang dã, chịu đựng tốt trong điều kiện môi trường khắc nghiệt nên không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Từng loài cây có đặc tính riêng như rau mặt trăng, trâm ổi, lộc vừng thì chịu đất ẩm ướt; rau có, rau nhái, chùm mồi, bằng lăng thì chịu khô... Nhờ đó, sau sáu năm nhân giống khu vườn của ông Dĩ hiện tăng hơn 1.000 gốc cây rau rừng đang cho thu hoạch, với hơn 13 loại rau rừng đặc sản như trâm ổi, lộc vừng, rau cách, mặt trăng, trâm sắn, sơn máu, rau chiếc, bí bái, chùm mồi, rau nhái, rau bứa, rau cóc, quế vị... Trên diện tích rộng gần 1 ha, vườn rau rừng của ông cho thu nhập bình quân gần 200 triệu đồng/năm. Ông Lê Văn Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh cho biết, thấy được tiềm năng của các loại rau rừng, năm 2016, Hội Nông dân xã Gia Lộc và Phòng Nông nghiệp huyện Trảng Bàng đã vận động ông Dĩ cùng 5 hộ gia đình trong ấp Lộc Trát thành lập Tổ hợp tác rau rừng Lộc Trát, do ông Dĩ làm tổ trưởng.
Món đặc sản Tây Ninh bánh tráng cuốn thịt luộc không thể thiếu rau rừng. Ảnh: baotayninh.vn
Món đặc sản Tây Ninh bánh tráng cuốn thịt luộc không thể thiếu rau rừng.
Ảnh: baotayninh.vn
Sản phẩm của Tổ đã được cấp giấy chứng nhận thực hiện theo quy trình VietGAP, phân phối trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận. Về góc độ hiện tại bây giờ thì nguồn rau của tổ liên kết này đang phát triển mạnh, hiện tổ liên kết đã ký kết với một số đơn vị tiêu thụ lớn như Công ty cổ phần Lavifood, các siêu thị ở Trảng Bàng và Thành phố Hồ Chí Minh. Rau rừng trở thành đặc sản ăn kèm với món bánh tráng, bánh canh Trảng Bàng bởi mỗi loại đều có những vị đặc trưng. Rau mặt trăng thì có vị chát nhẹ; chùm mồi thì có vị chua chua, chát chát; cóc, xương máu có vị chua. Từ chỗ chỉ là món ăn dân dã, bình dị, đến nay, bánh tráng phơi sương thịt luộc ăn kèm với rau rừng đã trở thành món ăn thương hiệu đặc sản của người dân ở Trảng Bàng, được đông đảo du khách gần xa đến với Tây Ninh tìm kiếm và thưởng thức. Đánh giá về hiệu quả của mô hình Tổ hợp tác rau rừng Lộc Trát, ông Phan Văn Tấn, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh cho biết, việc thành lập Tổ hợp tác rau rừng Lộc Trát là một trong những bước đi đúng hướng của địa phương. Đây không những là mô hình phát triển kinh tế mang về thu nhập ổn định cho các thành viên mà còn là cách để người dân giữ gìn và phát triển đặc sản của vùng đất Trảng Bàng trước tình trạng rau rừng đang dần cạn kiệt và dự kiến địa phương sẽ vận động nhân dân nhân rộng mô hình này ra để ổn định cuộc sống. Thực tế cho thấy việc đưa rau rừng về trồng tại vườn nhà của những hộ nông dân ở ấp Lộc Trát (xã Gia Lộc) là một trong những mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả của người dân huyện Trảng Bàng. Đây cũng là cách để đưa rau rừng và món bánh tráng phơi sương trở thành thương hiệu đặc sản phục vụ du khách du lịch đến với Tây Ninh.
Phạm Thanh Tân

Có thể bạn quan tâm