Cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên - hướng phát triển nền nông nghiệp sạch

Cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên - hướng phát triển nền nông nghiệp sạch
Mô hình cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên tại xã Phật Tích, huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Ảnh: baobacninh.com.vn
Mô hình cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên tại xã Phật Tích, huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Ảnh: baobacninh.com.vn

Ưu điểm vượt trội 

Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Biếu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội các ngành Sinh học Hà Nội, công nghệ cấy lúa hàng biên bản chất là làm sao để mọi khóm lúa trong ruộng lúa trở thành cây ven bờ nhờ kỹ thuật cấy một hàng đủ rộng để xuất hiện hiệu ứng biên; một hàng hẹp và cây cách cây sao cho cây lúa vẫn đẻ đủ số dảnh cần thiết, có số hạt mỗi bông tối ưu để có năng suất cao nhất. Công nghệ trồng hàng kép (double row) nhằm phát huy hiệu ứng hàng bờ hiện đang được nhiều nhà khoa học, nhiều trường đại học tại Mỹ tập trung nghiên cứu. Nó không chỉ phát huy hiệu quả với cây lúa mà còn đúng với hầu hết các loại cây trồng nông nghiệp khác như ngô, đậu, lạc… 

Trong nghề trồng lúa, ai cũng biết một thực tế là cây lúa ven bờ ruộng bao giờ cũng có khóm to, nhiều dảnh lúa to và chắc hơn, lá và lá đòng to, bông dài và nhiều hạt, tỷ lệ hạt chắc cao và ít bị sâu bệnh phát sinh gây hại hơn. Tuy nhiên, trước đây, chưa có ai chú ý đến cách làm thế nào để cả ruộng lúa đều sinh trưởng phát triển tốt như cây ven bờ. 

Do vậy, cấy lúa theo hướng hàng biên là được coi là công nghệ có tính độc đáo và về bản chất rất khác so với các phương pháp cấy trước đây ở một số điểm như: số khóm lúa chỉ từ khoảng 8-16 khóm (trung bình khoảng 12-13 khóm) mỗi mét vuông chứ không phải cấy thưa 32-35 khóm ở công nghệ cấy hàng rộng hàng hẹp (SRI); 45-50 khóm cấy ô vuông mắt sàng trước đây hay thậm chí khác với gieo sạ lên tới cả trăm dảnh mỗi mét vuông… Khoảng cách hàng sông lớn, hàng sông nhỏ và cây cách cây phụ thuộc vào đặc tính giống: chiều cao cây, dạng tán lá, khả năng đẻ nhánh; vào đặc điểm đất (độ màu mỡ); khả năng thâm canh, điều tiết nước, mùa vụ…Giống lúa có chiều cao càng lớn, mật độ cấy càng thấp để đảm bảo thời gian cả khóm lúa nhận được ánh sáng trong ngày nhiều nhất. 

Công nghệ cấy lúa hàng biên sử dụng các ưu điểm của tất cả các giải pháp khác: sử dụng mạ non, cấy thưa, điều tiết nước luân phiên khô hạn, quản lý cỏ dại và sâu bệnh, quản lý dinh dưỡng. Công nghệ cấy lúa hàng biên phát huy khả năng đẻ nhánh theo “con số vàng” của cây lúa, giúp mỗi khóm lúa có từ 15-40 bông rất dễ dàng. Đòng lúa được phân hóa ra nhiều hạt hơn 20-50% so với bông lúa của các phương pháp cấy khác. 

Khả năng ứng dụng rộng rãi 

Theo tính toán của các chuyên gia nông nghiệp, lợi ích do công nghệ cấy lúa hàng biên là giảm từ 50-75% giống và các chi phí làm mạ do giống giảm và giảm công cấy tương ứng, giảm 30% phân bón (do không bón vào hàng sông rộng); sâu bệnh giảm rõ rệt. Hiệu quả trừ diệt của ánh sáng nên giảm tới 50-70% thuốc trừ sâu bệnh và các chi phí (tiền thuốc, công phun…) kèm theo. Nhờ vậy, môi trường ( đất, nước và không khí) an toàn hơn, sản phẩm tất yếu sạch dư lượng hơn. Phương pháp này cũng giúp phát huy các lợi thế của toàn bộ hệ vi sinh vật đất, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, giúp giảm phát thải khí nhà kính - vấn nạn của tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay, giảm tiêu dùng nước ngọt vốn đang có nguy cơ cho sự sống nhân loại… 

Điều đáng nói nhất là năng suất lúa khi cấy theo cách này tăng 15 - 40% so với các phương pháp cấy khác và giá thành sản xuất ra 1 kg thóc giảm mạnh. Đây chính là yếu tố thuyết phục nông dân nhanh và dễ dàng nhất. Do vậy, đến nay dù chưa được đầu tư gì, phương pháp này vẫn được nông dân nhiều vùng áp dụng với tốc độ lan tỏa công nghệ rất nhanh, gần đây nhất như tại huyện Mỹ Đức, chỉ với 0,7 ha thử nghiệm vụ Xuân 2016, đến vụ mùa đã áp dụng tới 30 ha và đến vụ Xuân 2017 đã lên tới 170 ha. 

Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Hoan, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Hà Nội, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội đánh giá, hiện nay, mô hình cấy lúa hàng biên đã được trồng thử nghiệm ban đầu trên diện tích từ vài sào đến vài ha ở 20 tỉnh trên cả nước như Hà Nam, Thái Bình, Phú Xuyên, Bắc Ninh, Sơn La, Điện Biên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hưng Yên, Hải Dương…có sự tham gia của các cán bộ kỹ thuật cơ sở: Trạm khuyến nông, Hội Nông dân địa phương để có đánh giá khách quan và trực tiếp nhận chuyển giao. Hầu hết các mô hình đều cho thấy rõ hiệu quả rõ rệt như tiết kiệm vật tư, chi phí sản xuất và tăng năng suất. Do vậy, chỉ ngay sau vụ đầu, các cơ sở đã tổ chức tham quan đầu bờ cho các nông dân địa phương và tiếp tục áp dụng triển khai cho vụ mùa sau. 

Với hiệu quả to lớn về kinh tế, xã hội, phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền sáng chế tháng 9/2015, được trao Giải thưởng Khoa học và Công nghệ Vifotec năm 2015. Tại Hội chợ triển lãm Khoa học và Công nghệ quốc tế được tổ chức ở Hàn Quốc năm 2016, phương pháp cấy lúa này đã được Hàn Quốc trao Huy chương Đồng và Thái Lan trao Huy chương Vàng. Năm 2017, kỹ thuật này đã được đề xuất in trong Kỷ yếu sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 

“Để hướng tới phát triển nền nông nghiệp sạch, các cơ quan Nhà nước, viện nghiên cứu và các trường đại học chuyên ngành nên dành quỹ nghiên cứu hoàn chỉnh các cơ sở lý luận khoa học, tiếp tục các nghiên cứu sâu hơn (như ảnh hưởng của kỹ thuật mới đến hệ sinh thái đất ruộng phân bố ánh sáng trong quần thể, phát thải các khí gây hiệu ứng nhà kính từ ruộng lúa…). Đồng thời, cần có văn bản hướng dẫn chỉ đạo các địa phương áp dụng thử, tuyên truyền rộng rãi trong nông dân”, Tiến sỹ Nguyễn Văn Biếu đề xuất.
Diệu Thúy 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm