Đau đáu "hồn" dân tộc

Đau đáu "hồn" dân tộc
Ông K’Mẻo luôn cẩn thận và nâng niu bộ chiêng như những “đứa con” của mình. Ảnh: H.Thắm
Ông K’Mẻo luôn cẩn thận và nâng niu
bộ chiêng như những “đứa con” của mình. Ảnh: H.Thắm
Cẩn trọng gỡ bộ chiêng được đặc biệt cất giữ cẩn thận trong nhà bằng bàn tay run run, già làng K’Mẻo cho biết, những cặp chiêng này chẳng biết có tự bao giờ, chỉ biết đây là vật thiêng được thừa hưởng của ông bà, và cũng từng theo ông suốt những tháng ngày trai trẻ đến tận bây giờ. Tôi xin ông đánh thử một vài động tác để thưởng thức nhưng ông bảo, công chiêng không phải vật có thể thử mọi lúc, phải kết hợp theo bộ và chơi vào những dịp quan trọng trong buôn làng thì mới có ý nghĩa.
Những người lớn tuổi như già làng K’Mẻo vẫn giữ nguyên được những phong tục truyền thống của người K’Ho, đặc biệt là cồng chiêng - Trưởng thôn Bộ Bê K’Neng giới thiệu. K’Mẻo là 1 trong 5 thành viên của đội cồng chiêng xã Gia Bắc, thường xuyên tham dự các cuộc thi cồng chiêng do huyện tổ chức. Mỗi khi thôn, xã có đám cưới, hay các nghi lễ thờ cúng quan trọng, ông đều góp mặt như một phần không thể thiếu. 
“Cồng chiêng đối với bọn trẻ bây giờ chỉ là khối sắt chứ với người mình đây là cả tài sản. Trước đây, nhà nào cũng có, ít thì 1 bộ, nhiều thì 3, 4 bộ. Cách đây 6 năm mình để dành 4 triệu mua cặp chiêng này. Nhiều người lúc ấy chẳng còn muốn giữ trong nhà nữa nên bán đi. Mình nhìn mà tiếc lắm nên dành dụm tiền mua, tiếc là không thể mua được nhiều. Nhà ngày trước có 4 bộ, nhưng đã để dành tặng 2 bộ cho 2 đứa con gái sau khi lập gia đình và ra ở riêng. Thời ông bà ngày xưa đáng giá hơn 2 con trâu đấy”, ông chỉ vào cặp chiêng và cười, ẩn chứa một nỗi buồn kín đáo.
Trầm ngâm một lúc, ông K’Mẻo tiếp lời: “Thanh niên bây giờ hình như tụi nó thích nhạc hiện đại hơn tiếng cồng chiêng. Mình có dạy nó cũng không chịu học, mình buồn lắm. Là văn hóa cha ông thì phải giữ nguyên vẹn, sau này lúc cưới hỏi, cúng mùa thì lấy ai chơi. Mình và trưởng thôn từng vài lần lên kế hoạch để truyền dạy cho lớp trẻ nhưng vẫn chưa thành công”. 
Có lẽ đó không chỉ là trăn trở của riêng già làng K’Mẻo mà còn là một trong những thách thức mà thế hệ đi trước người K’Ho đang phải đối mặt. 
Rồi đột nhiên như muốn thay đổi không khí, ông hào hứng: “Hôm nào có dịp mời các bạn về đây tham dự lễ cúng Mừng lúa mới (Nhô lềr bong), đây là dịp bà con mình tạ ơn Yàng sau một năm làm việc vất vả, thóc lúa đầy kho, dân làng được bình yên. Cồng chiêng thường được dùng trong những dịp vui và quan trọng, cùng với các lễ vật là rượu cần, gà, vịt, heo... Dân làng nổi chiêng trống lên rót rượu cần mời khách, mọi người cùng nhau nhảy múa suốt đêm, vui lắm”. 
Đối với người dân tộc K’Ho ngày trước, lúa nước là cây trồng chủ yếu và lâu đời. Lễ Mừng lúa mới vì thế giữ vai trò quan trọng, như một nghi thức chào đón năm mới (năm mới của họ là sau khi mùa màng đã thu hoạch). Tuy nhiên, hiện nay, khi chuyển đổi sang các loại cây trồng phù hợp hơn như bắp, cà phê thì không còn nhiều địa phương giữ được nghi lễ văn hóa truyền thống này.
Theo lời già làng K’Mẻo, cách đây vài năm, ông và một số hộ trong thôn vẫn dành một khoảnh đất nhỏ trong vườn gần nhà để trồng lúa và hằng năm tổ chức Mừng lúa mới, như một cách để nhớ về nguồn cội. Còn bây giờ, dù không có điều kiện để trồng lúa nhưng những người dân ở đây vẫn tổ chức cúng Mừng lúa mới trên rẫy bắp, rẫy cà phê để tưởng nhớ và cảm ơn Yàng đã cho mùa vụ bội thu. Tuy vậy, ông cũng tỏ rõ lo ngại: “Không biết người dân mình còn giữ được tục ấy đến bao giờ, khi một số nghi lễ ngày càng được tổ chức một cách đơn giản, nhiều lúc chỉ còn là hình thức. Đến khi những người như mình không còn, thì liệu còn ai nhớ đến chúng nữa không”.
Theo baolamdong.vn

Có thể bạn quan tâm