Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018:

Tọa đàm Liên kết phát triển tour du lịch giữa Gia Lai với các địa phương

Tọa đàm Liên kết phát triển tour du lịch giữa Gia Lai với các địa phương
Các đại biểu đóng góp ý kiến tại buổi tọa đàm. Ảnh: Dư Toán – TTXVN
Các đại biểu đóng góp ý kiến tại buổi tọa đàm. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Tọa đàm nhằm ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự tour du lịch cộng đồng và khảo sát du lịch (famtrip) do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai phối hợp cùng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, câu lạc bộ du lịch cộng đồng trong và ngoài tỉnh tổ chức trong hai ngày 1 và 2/12. Qua đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, câu lạc bộ du lịch cộng đồng giúp tỉnh Gia Lai có định hướng hình thành sản phẩm du lịch mới, phù hợp với thị trường; đồng thời tích cực hỗ trợ quảng bá cũng như đưa khách du lịch đến với Gia Lai.

Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Câu lạc bộ CTC (Hà Nội) cho rằng, tỉnh Gia Lai còn nhiều địa điểm có nền sinh thái còn hoang sơ, ấn tượng với nhiều du khách. Tuy nhiên, ông Quỳnh cho rằng, hiện nay nhiều khu vực khai thác du lịch tại Gia Lai chưa làm tốt công tác vệ sinh môi trường, chưa được giao cho một đơn vị quản lý cụ thể; đường xá chưa hoàn thiện, gây khó khăn cho việc di chuyển. Chủ tịch Câu lạc bộ CTC đề xuất, tỉnh Gia Lai cần có sự đồng hành, kết nối giữa địa phương với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, câu lạc bộ du lịch cộng đồng để du khách thấy được những nét đặc trưng của địa phương, xây dựng nên bộ sản phẩm dịch vụ. Để làm được điều đó, tỉnh Gia Lai cần làm tốt công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh đến với cộng đồng.

Bà Tạ Thị Tú Uyên, Phó Giám đốc Ban sản phẩm – dịch vụ Công ty Vietravel (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, trong năm 2017, đơn vị đã triển khai một tuyến du lịch hành trình từ Quy Nhơn (Bình Định) – Măng Đen (Kon Tum) – Gia Lai – Thành phố Hồ Chí Minh thu hút nhiều du khách quan tâm. Tuy nhiên, do nhu cầu khám phá và trải nghiệm của du khách ngày càng cao, nên các sản phẩm du lịch tại Gia Lai chưa thực sự đáp ứng đủ nhu cầu của du khách. Bà Tú Uyên cho rằng, Gia Lai hiện có nhiều điểm đến mới tiềm năng nhưng cần khai thác tinh tế hơn, như núi lửa Chư Đang Ya, có thể hướng tới đối tượng khai thác là giới trẻ và cần có thêm một vài hoạt động ở khu vực này, gắn liền với từng mùa hoa.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Dư Toán – TTXVN
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Phó Giám đốc Ban sản phẩm – dịch vụ Công ty Vietravel chia sẻ, bản thân cảm thấy ấn tượng về vẻ đẹp hoang sơ của thác Mơ và lòng hồ Sê San 4. Tuy nhiên, tỉnh Gia Lai cần cải thiện lối đi đến thác Mơ theo hướng an toàn hơn. Trong khi đó, để khai thác du lịch trên hồ Sê San 4, tỉnh Gia Lai cần xây dựng một câu chuyện về hồ Sê San 4 với những tình tiết sâu lắng, thơ mộng qua những câu chuyện kể sử thi của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến xây dựng để tỉnh Gia Lai phát triển tốt hơn ngành du lịch như: Cần tạo ra điểm lưu trú qua đêm để tạo sự cộng hưởng cho lợi ích từ du lịch; khí hậu tại Gia Lai ôn hòa song chưa xuất hiện hình thức du lịch nghỉ dưỡng; các điểm đến còn rời rạc, khó tạo ra các tour cho du khách; cần cho du khách được trải nghiệm những hoạt động thực tế trong đời sống của người dân địa phương như tham gia hái cà phê, hái chè,…

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai ghi nhận và cảm ơn những đóng góp của đại diện các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, câu lạc bộ du lịch cộng đồng, góp phần giúp cho Gia Lai xây dựng kế hoạch phát triển du lịch cho tỉnh. Tỉnh Gia Lai mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành của các doanh nghiệp du lịch, các câu lạc bộ du lịch cộng đồng trong những năm tiếp theo để có được những ý kiến đóng góp, hoàn thiện hơn ngành du lịch của tỉnh có diện tích lớn thứ hai của cả nước.

Các đại biểu đến thăm làng dệt thổ cẩm Glar, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Dư Toán – TTXVN
Các đại biểu đến thăm làng dệt thổ cẩm Glar, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai.
Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Trước đó, trong hai ngày 1 và 2/12, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, câu lạc bộ du lịch cộng đồng tổ chức khảo sát du lịch tại núi lửa Chư Đăng Ya, Biển Hồ chè (huyện Chư Pah); Biển Hồ (thành phố Pleiku); đồi thông Glar, đồi cỏ hồng, làng dệt thổ cẩm Glar (huyện Đăk Đoa); công viên Đồng Xanh (thành phố Pleiku); thác Mơ, lòng hồ Sê San 4 (huyện Ia Grai).

Những năm gần đây, mô hình “du lịch cộng đồng” là mục tiêu phát triển du lịch bền vững mà tỉnh Gia Lai hướng tới nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển du lịch gắn với công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho bà con nhân dân tại các vùng quy hoạch phát triển du lịch.
Dư Toán

Có thể bạn quan tâm