Tín hiệu vui từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở huyện Buôn Đôn

Tín hiệu vui từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở huyện Buôn Đôn
Huyện đã lựa chọn thí điểm các mô hình cây, con từ đó rút kinh nghiệm để triển khai nhân rộng. Sau 3 năm triển khai, Đề án đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân trên địa bàn huyện.     
Cán bộ khuyến nông huyện Buôn Đôn kiểm tra một mô hình trồng gấc trên địa bàn.
Cán bộ khuyến nông huyện Buôn Đôn
kiểm tra một mô hình trồng gấc trên địa bàn.

Gia đình anh Nguyễn Văn Tám ở thôn 16, xã Tân Hòa có 1 ha đất nông nghiệp. Trước đây, gia đình anh thường sử dụng diện tích đất này để trồng ngô. Mỗi năm gia đình anh thu được 7-8 tấn ngô, với giá bán ở mức trên 3.000 đồng/kg ngô tươi. Trừ chi phí đầu tư thì mỗi năm 1 ha ngô của gia đình anh Tám chỉ cho thu nhập trên 10 triệu đồng. Đầu năm 2015, được sự hướng dẫn của Ban chỉ đạo Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển kinh tế trang trại của huyện Buôn Đôn, anh chuyển diện tích đất này sang trồng gấc. Vụ đầu tiên gia đình anh thu được hơn 6 tấn gấc với giá bán 6,5 ngàn đồng/kg. Với những vụ sau, chắc chắn vườn gấc của gia đình anh sẽ cho năng suất, sản lượng cao hơn nhiều. Dưới giàn gấc, gia đình anh còn trồng thêm đậu xanh thu được 1,2 tấn với giá bán 25.000 đồng/kg. Trừ chi phí đầu tư, vụ đầu tiên trồng gấc và đậu xanh, gia đình anh Tám có thu nhập trên 50 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình anh Tám còn trồng thêm hàng trăm cây đinh lăng. Được giàn gấc che mát nên đinh lăng của gia đình anh phát triển nhanh, hứa hẹn cho thu nhập cao trong thời gian tới. Anh Tám phấn khởi cho biết: “Từ khi chuyển đổi sang trồng gấc, thu nhập của gia đình tôi trên diện tích 1ha đất nông nghiệp đã tăng lên rất nhiều. Đối với vườn gấc, gia đình tôi chỉ phải trồng cây ở mùa vụ đầu. Những vụ sau chỉ việc chăm sóc và cho thu hoạch trong vòng nhiều năm…”.
Mô hình trồng cỏ ở xã Krông Na.
Mô hình trồng cỏ ở xã Krông Na.

Còn gia đình Nguyễn Văn Đài, thôn 12, xã Ea Bar, trước đây thường sử dụng giống lúa địa phương cho năng suất, sản lượng thấp, khả năng kháng bệnh kém. Được Ban chỉ đạo Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển kinh tế trang trại của huyện hướng dẫn triển khai mô hình trồng giống lúa lai cho năng suất, sản lượng cao hơn, hiện nay, gia đình ông đã chuyển hẳn sang sử dụng giống lúa lai trong các vụ sản xuất. Học hỏi gia đình ông Đài, những hộ gần đó cũng đã chuyển sang gieo sạ các giống lúa lai.

Thực hiện Đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển kinh tế trang trại”, từ năm 2013 đến nay, huyện Buôn Đôn đã triển khai được 43 mô hình cây, con các loại như: cánh đồng mẫu về lúa, cải tạo vườn tạp, trồng thanh long ruột đỏ, trồng cỏ, cải tạo đàn bò, nuôi gà thả vườn, trồng gấc… với tổng kinh phí gần 1,7 tỷ đồng; bao gồm kinh phí hỗ trợ cây, con giống, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con tham gia mô hình. Huyện đã tổ chức được 45 buổi tập huấn, hội thảo, thu hút 750 lượt người tham gia. Trong các mô hình mà huyện triển khai đã có nhiều mô hình có hiệu quả cao và được nhân rộng trên địa bàn huyện. Đến nay, có 100% giống ngô khảo nghiệm được đưa vào sản xuất đại trà; có 80% diện tích sử dụng giống lúa lai vào sản xuất trên địa bàn huyện (riêng tại các cánh đồng trên địa bàn xã Ea Bar, xã Cuôr Knia, người dân đã sử dụng 100% giống lúa lai). Về giống vật nuôi, có 50% tổng đàn bò sử dụng giống bò lai; tại các trang trại, gia trại chăn nuôi, có 100% đàn heo sử dụng giống heo lai siêu nạc; 100% đàn gà sử dụng giống gà siêu thịt, siêu đẻ trứng.
 
Người dân xã Ea Wer nhận giống cỏ được hỗ trợ về trồng.
Người dân xã Ea Wer nhận giống cỏ được hỗ trợ về trồng.
Theo bà Trần Thị Thủy, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Buôn Đôn, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình hiệu quả đã được triển khai trong những năm qua; đồng thời tiếp tục lựa chọn những mô hình mới để triển khai trên địa bàn huyện. Những kết quả đã đạt được trong việc triển khai Đề án giai đoạn 2013 – 2015 sẽ là tiền đề để việc triển khai Đề án trong giai đoạn tới đạt được những kết quả cao hơn nữa, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp trên cùng một đơn vị diện tích từ đó tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Có thể bạn quan tâm