Tiền Giang phát huy tiềm năng du lịch sinh thái miệt vườn

Tiền Giang phát huy tiềm năng du lịch sinh thái miệt vườn
Khách du lịch du ngoạn trên rạch bằng xuồng ở cồn Thới Sơn. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN
Khách du lịch du ngoạn trên rạch bằng xuồng ở cồn Thới Sơn. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang cho biết: Từ đầu năm 2017 đến nay, Tiền Giang đã đón trên 1,1 triệu lượt khách du lịch, đạt 62,4% kế hoạch năm và tăng 7,7% so cùng kỳ năm 2016; trong đó khách quốc tế ước đạt gần 395 ngàn lượt khách. Tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ lữ hành đạt 3.603 tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ.

Với lợi thế nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, có nhiều sông ngòi, kênh rạch, Tiền Giang là tỉnh đầu tiên xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa và du lịch cộng đồng từ những năm 1990. Một trong những địa điểm thu hút khách du lịch lớn nhất là Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười (huyện Tân Phước, Tiền Giang). Khu bảo tồn này với quy mô 107 ha rừng tràm và trên 2.000 ha vùng đệm, quy tụ hệ sinh thái ngập nước độc đáo như tràm gió, bàng, lác, đưng... cùng nhiều loại động vật quý hiếm như cồng cộc, già đẩy Java, giang sen.

Bên cạnh đó, phải kể đến điểm du lịch nổi tiếng nhất Tiền Giang là khu du lịch sinh thái cồn Thới Sơn (xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho). Đây là khu cồn nổi giữa sông Tiền, với diện tích trên 1.200 ha, vốn được thiên nhiên ưu ái về địa hình khí hậu và đặc biệt là cù lao có điều kiện liên kết phát triển du lịch sông nước tốt nhất, không phải nơi nào cũng có. Chủ tịch UBND xã Thới Sơn (thành phố Mỹ Tho) Nguyễn Văn Phong cho hay, thời gian qua, xã quan tâm đầu tư khai thác đúng mức, hiệu quả, do việc làm du lịch hoàn toàn dựa trên những cái sẵn có. Các tour đến tham quan sau đó qua cù lao ngắm cảnh vùng sông nước miệt vườn, đi xe ngựa trên đường quê và đi xuồng vào kênh rạch nhỏ, tham quan vườn trái cây, nghe đờn ca tài tử, ghé thăm nhà cổ, lò sản xuất kẹo dừa, trại nuôi ong, tát mương bắt cá...

Ngoài những địa điểm du lịch sinh thái nghỉ ngơi, chợ nổi Cái Bè còn là nơi giao thương hàng hóa đặc trưng của vùng sông nước. Được hình thành từ những năm 80 của thế kỷ XVII, ban đầu chỉ là việc mua bán hàng hóa của người dân bằng ghe, xuồng, nhưng sau này chính những thói quen sinh sống hằng ngày của người dân đã thu hút lượng lớn khách du lịch. Theo ông Lê Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè, điểm thu hút chính là khách du lịch được trải nghiệm cùng người dân, được lên ghe, xuồng tham quan mua bán ngay trên sông nước, hay được vào những vựa trái cây lớn nhất tỉnh thưởng thức đặc sản của địa phương. Từ đầu năm đến nay, địa phương đã đón trên 97 ngàn lượt khách du lịch.

Nhằm phát huy những thế mạnh vốn có về du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, trong thời gian tới, tỉnh Tiền Giang đề ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy du lịch như liên kết với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như Thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng những tuyến du lịch, sản phẩm du lịch đặc trưng của từng vùng miền; xây dựng các tour du lịch liên tỉnh Long An - Tiền Giang - Bến Tre - Vĩnh Long - Trà Vinh và Đồng Tháp.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang Nguyễn Tấn Phong cho biết thêm, để quảng bá du lịch đạt hiệu quả tốt nhất, tỉnh chủ trương tuyên truyền, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo... Tỉnh thường xuyên cập nhật thông tin về tour, tuyến, sản phẩm, dịch vụ du lịch trên website và thông tin kịp thời đến các đơn vị kinh doanh du lịch.
Nam Thái

Có thể bạn quan tâm