Thư thái với Sơn Trà Tịnh Viên

Thư thái với Sơn Trà Tịnh Viên

Khi bước chân vào Sơn Trà Tịnh Viên, du khách như lạc vào một thế giới khác, một khu vườn tre, trúc yên tĩnh, xanh mát bốn mùa, có tiếng suối chảy rì rào, có tiếng chim hót líu lo và tiếng nhạc thiền hòa quyện vào nhau tạo ra một cảm giác yên bình, thư thái.

Chủ nhân của Sơn Trà Tịnh Viên là Đại đức Thích Thế Tường, một nhà sư yêu văn hóa, tâm hồn Việt qua những cây tre, trúc. Theo lời kể của Đại đức Thích Thế Tường, cách đây khoảng 10 năm, được một phật tử nhường lại cho một khu đất rộng khoảng 1,5ha ở suối Đá, sư thầy miệt mài san lấp, bê đá, phát quang, dẫn nước từ mạch ngầm về để biến chốn rừng núi hoang sơ thành một mảnh vườn bằng phẳng, sơn thủy hữu tình, có hồ nước, có suối chảy róc rách. Khi khu vườn đã ra hình, ra dáng, sư thầy khăn gói lặn lội vào Nam, ra Bắc, lên rừng, xuống biển để tìm và mang về các loài tre, trúc Việt.

Thư thái với Sơn Trà Tịnh Viên ảnh 1
Bước chân vào Sơn Trà Tịnh Viên, du khách như lạc vào một thế giới khác, nơi vườn tre yên tĩnh, suối chảy rì rào, chim hót líu lo và tiếng nhạc thiền hòa quyện vào nhau tạo ra một cảm giác yên bình, thư thái

Hiện tại, sư thầy đã mang về ươm trồng hơn 100 loài, nghĩa là hơn một nửa chủng loài tre, trúc của Việt Nam đã có mặt tại Sơn Trà Tịnh Viên, tiêu biểu như: Lồ ô, luồng, óp, tre nghẹ, dùng phấn, mai xanh, giang sơn trà… Đặc biệt có 3 loài tre quý gồm: Trúc vông ở Đèo Gió, Bắc Kạn; trúc đen ở Hà Giang, Lào Cai, Đà Lạt và tre bông ở Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang. Mỗi loài tre, trúc đều được ghi tên và lập hồ sơ lưu trữ.

Đại đức Thích Thế Tường tâm niệm, văn hóa dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam gắn liền với cây tre; cây tre là biểu tượng cho phẩm chất đặc sắc nhất của con người Việt Nam ta, đó là đoàn kết, thủy chung, thanh cao, bất khuất; là đức tính kiên cường ẩn tàng trong khả năng thích ứng dẻo bền vô hạn trước mọi tai họa thiên nhiên cũng như bi kịch lịch sử, cây tre vẫn trường tồn và phát triển với một sức sống mãnh liệt. Thế nhưng, chưa có một nơi nào bảo tồn, lưu giữ tre, trúc của đất nước. Đó cũng là điều thôi thúc sư thầy bền bỉ tạo dựng Sơn Trà Tịnh Viên.

Đến Sơn Trà Tịnh Viên, tôi được chứng kiến nhiều du khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu, chụp ảnh lưu niệm tại đây. Chị Lê Thị Huế, quê ở Quảng Bình đi du lịch cùng với gia đình và lên tham quan Sơn Trà Tịnh Viên tâm sự: "Vào đây, tôi như được trở về với nguồn cội của cuộc sống và hiểu sâu sắc hơn tinh thần Việt, phẩm giá Việt, đất nước Việt qua hình ảnh cây tre, trúc".

Trong cái nắng gió gắt gao của miền Trung, nếu du khách đi dạo, thả hồn, thư giãn trong Sơn Trà Tịnh Viên, sẽ cảm nhận được một không gian thư thái cho tầm hồn mình.

Theo qdnd.vn

Có thể bạn quan tâm