Thành phố Hồ Chí Minh: Phong phú các hoạt động vui đón Xuân Mậu Tuất 2018

Thành phố Hồ Chí Minh: Phong phú các hoạt động vui đón Xuân Mậu Tuất 2018
Chụp ảnh lưu niệm
Mỗi độ Xuân về, một trong những điểm đến truyền thống giữ chân nhiều du khách đến tham quan, chụp ảnh là đường sách Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực Nhà văn hóa Thanh Niên, Trung tâm thương mại Diamond Plaza (Quận 1)…
Nhóm bạn chụp ảnh lưu niệm tại Nhà văn hóa Thanh niên. Ảnh: Gia Thuận – TTXVN
Nhóm bạn chụp ảnh lưu niệm tại Nhà văn hóa Thanh niên. Ảnh: Gia Thuận – TTXVN
 
Từ ngày 8/2 (tức 23 tháng Chạp năm Đinh Dậu), đường sách Thành phố Hồ Chí Minh sôi nổi với hàng loạt chương trình phục vụ nhu cầu của người dân và du khách dịp Tết cổ truyền.

Năm nay, Ban tổ chức chọn chủ đề Tết là “Giữ gìn cội nguồn - Phát triển văn hóa”, theo đó xuyên suốt chiều dài đường sách quy tụ hơn 30 gian hàng được trang trí từ các vật liệu thiên nhiên, dựa trên những đặc trưng văn hóa Việt Nam như tre trúc, nhà tranh miền Nam…

Mỗi gian hàng tập trung giới thiệu tới khách tham quan nhiều sản phẩm văn hóa đặc trưng của Tết Việt như: Bao lì xì, bánh tét, mứt Tết…
Các bạn trẻ chụp hình lưu niệm tại gian hàng bánh Tét trên Đường sách Nguyễn Văn Bình. Ảnh: Gia Thuận - TTXVN
Các bạn trẻ chụp hình lưu niệm tại gian hàng bánh Tét trên Đường sách Nguyễn Văn Bình. Ảnh: Gia Thuận - TTXVN
 
Ngoài ra, trong suốt 12 ngày (từ 8-19/2), tại đường sách Thành phố Hồ Chí Minh, du khách còn được tham gia các hoạt động như: Đối thơ “Xuân Phương Nam nắng bừng trang sách mở”, thả thơ, cây lộc đầu năm, khu vực trò chơi dành cho trẻ em… Đặc biệt, vào chiều mùng 3 Tết (ngày 18/2), tại đây diễn ra Lễ trao giải dành cho bạn đọc tham gia đối thơ và thả thơ với nhiều phần quà hấp dẫn.

Bạn Phan Hoài Thanh, sinh viên năm thứ 3, Đại học Tôn Đức Thắng phấn khởi cho biết: Năm nay em không về quê đón Tết sớm mà ở lại thành phố cùng các bạn đến những điểm trang trí Tết chụp hình lưu niệm.
Du khách chờ xin chữ khai xuân. Ảnh: Gia Thuận – TTXVN
 Du khách chờ xin chữ khai xuân. Ảnh: Gia Thuận – TTXVN
 
Như thông lệ hàng năm, khu vực Nhà văn hóa Thanh niên tỏa sáng với hàng trăm cành mai vàng trang trí dọc tuyến đường Phạm Ngọc Thạch và một phần đường Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 1), thu hút hàng trăm lượt bạn trẻ, người dân thành phố đến tham quan, chụp hình.
 
Hơn 50 gian hàng được bố trí dọc các tuyến đường này, phổ biến nhất là những gian hàng trưng bày câu đối, liễn, ông đồ ngồi viết thư pháp. Nhiều bạn trẻ tỏ ra thích thú, hào hứng, kiên nhẫn ngồi chờ ông đồ nắn nót từng nét chữ chúc Xuân, cầu mong một năm mới yên bình, nhiều niềm vui, may mắn.
 
Sân khấu kịch “đổi vị”
Cùng với các hoạt động tham quan, thưởng lãm, kịch và phim Việt mùa Tết là những món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân Thành phố Hồ Chí Minh dịp Tết cổ truyền.
 
Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, nhiều sân khấu kịch tại thành phố đã sớm chuẩn bị các vở diễn mới. Theo đó, gần 20 vở kịch của các sân khấu trên địa bàn sẽ sáng đèn liên tục trong những ngày nghỉ Tết. Đáng chú ý, sân khấu kịch Tết năm nay tập trung khai thác các vấn đề tâm lý, xã hội, thay thế đề tài kịch ma, kinh dị, thường được tổ chức ở những năm trước.
 
Tiêu biểu như Sân khấu Hoàng Thái Thanh giới thiệu đến khán giả vở kịch mới “Sài Gòn có một ngã tư”. Đây là tác phẩm dựa theo truyện ngắn “Ừ đi, ừ” của nhà văn Trần Kim Trắc. Xuyên suốt vở kịch đan xen những câu chuyện của người dân lao động nhập cư đến thành phố mưu sinh; tuy có những xung đột, mâu thuẫn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, nhưng trên hết họ vẫn dành cho nhau tình yêu thương, đùm bọc giữa chốn đô thành.
Du khách quốc tế mua sắm sản phẩm lưu niệm. Ảnh: Gia Thuận – TTXVN
 Du khách quốc tế mua sắm sản phẩm lưu niệm. Ảnh: Gia Thuận – TTXVN
 
Sân khấu kịch Idecaf tổ chức biểu diễn liên tục từ mùng 1 Tết (ngày 16/2) đến mùng 10 (ngày 25/2) với những vởi kịch mới như: Thám tử si tình, Bởi vì ta yêu nhau, Ngôi nhà không có đàn ông…
 
Hầu hết những vở diễn này có sự tham gia của các nghệ sĩ kịch tên tuổi như: Thành Lộc, nghệ sĩ nhân dân Hồng Vân, Minh Hoàng, Anh Vũ... hứa hẹn mang đến cho khán giả những cung bậc cảm xúc khác nhau.
 
Bên cạnh sân khấu kịch, phim Việt chiếu Tết năm nay vẫn tiếp tục chủ đề vui tươi, với nhiều thể loại hài hước, vui nhộn. Điển hình, phim “Về quê ăn Tết”, “Siêu sao siêu ngố”, “Đích tôn độc đắc”, “789 Mười”…
 
Đại diện các hệ thống chiếu phim lớn tại thành phố như CVG, BHD, Lotte Cinema cho biết, hệ thống đặt vé xem phim online trong mùa Tết đã kích hoạt từ đầu tháng 2, một số rạp đã gần lấp đầy ghế vào các ngày mùng 1, mùng  2 Tết. Do vậy, nếu người dân có nhu cầu xem phim dịp Tết năm nay cần sớm liên hệ để có được chỗ ngồi thuận tiện nhất./.
 Gia Thuận

Có thể bạn quan tâm