Thành phố Hồ Chí Minh chung tay phát triển các sản phẩm du lịch

Thành phố Hồ Chí Minh chung tay phát triển các sản phẩm du lịch
Đây là nội dung được các đại biểu trao đổi tại chương trình "Đối thoại cùng chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh - Phát triển du lịch trên địa bàn thành phố", do Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố (VOH) tổ chức vào cuối tháng 7/2018.
Du khách quốc tế tham quan, mua sắm quà lưu niệm tại Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu – TTXVN
Du khách quốc tế tham quan, mua sắm quà lưu niệm tại Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu – TTXVN
Chia sẻ tại chương trình, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2018, ngành du lịch thành phố đã đón tiếp gần 4,4 triệu lượt khách quốc tế.

Ngành du lịch đã tập trung nghiên cứu, xây dựng phát triển các loại hình sản phẩm du lịch, gắn liền với lịch sử, văn hoá, kiến trúc trên địa bàn như: Du lịch mua sắm, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị), ẩm thực, du lịch đường sông...nhằm thu hút khách du lịch.
 
Tuy vậy, một trong đó là sản phẩm du lịch đường sông được xem là sản phẩm du lịch đặc trưng của Thành phố Hồ Chí Minh nhưng lại chưa được khai thác đúng với lợi thế vị trí địa lý và tiềm năng sẵn có. Nhiều doanh nghiệp lữ hành đã và đang gặp một số khó khăn trong khi khai thác loại hình du lịch này.
 
Bà Đặng Thị Thy Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Bến Thành Tourist cho biết, hiện các tour du lịch đường sông trên địa bàn vẫn chưa được đơn vị khai thác hiệu quả do một số tour tuyến chưa đáp ứng được nhu cầu thưởng lãm cảnh quan của du khách.

Điều khiến doanh nghiệp trăn trở nhất là thực trạng ô nhiễm môi trường và cách quản lý các điểm du lịch. Rất nhiều danh thắng cảnh sau một thời gian đưa vào khai thác là xuất hiện tình trạng ô nhiễm do quá tải, công tác vệ sinh không được chú trọng, mùi hôi và rác thải xuất hiện tại các điểm du lịch..
 
Bà Thy Thanh cho rằng, muốn thu hút và giữ chân du khách, ngành du lịch thành phố cần tập trung vào chất lượng trước khi nói đến số lượng. Cần xây dựng môi trường du lịch xanh, sạch, thân thiện và an toàn cho du khách, thay đổi nhận thức du lịch trong từng người dân và nhất là cần sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền sở tại, người dân và doanh nghiệp làm du lịch. 

Mặt khác, đại diện doanh nghiệp lữ hành còn chia sẻ khó khăn về cơ sở hạ tầng du lịch, các bến neo đậu cầu tàu chưa hoàn thiện, dẫn đến giới hạn số lượng du khách được tiếp cận sản phẩm du lịch đường thuỷ trên địa bàn.
 
Khắc phục vấn đề này, đại diện Sở Du lịch cho biết đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh triển khai nội dung chương trình phát triển, cải tạo giao thông đường thuỷ phục vụ du lịch tốt hơn.
 
Ông Hà Thanh Sơn, Phó trưởng phòng quản lý giao thông đường thuỷ, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bên cạnh 11 bến thuỷ hoàn thành, thành phố đã kêu gọi, xã hội hoá đầu tư 10 bến thuỷ nội địa phục vụ du lịch ở các địa bàn quận 2,4, Bình Thạnh, huyện Củ Chi, Cần Giờ...

Thêm vào đó, để đón tiếp khách quốc tế, cùng với khu vực cảng Nhà Rồng - Khánh Hội (quận 4), Cảng tàu khách quốc tế Mũi Đèn Đỏ (quận 7) cũng sẽ là những vị trí thuận lợi trong việc phát triển du lịch đường biển quốc tế của thành phố.

Hiện Công ty Cổ phần tập đoàn Sài Gòn Peninsula đang triển khai thủ tục xây dựng, với chiều dài cầu bến dự kiến dài 600m, có thể đồng thời đáp ứng 2 tàu có tải trọng lên đến 60.000GT cập bến, tương đương lượng khách 2.500 người/tàu và dự kiến sẽ hoàn thành năm 2020.
 
Để thu hút thêm khách du lịch đến thành phố, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, cho biết: Sở Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành, lãnh đạo địa phương khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch trên địa bàn.

Đồng thời trong năm 2018, Sở Du lịch sẽ hoàn thành chiến lược phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030. Từ đó, xác định sản phẩm, thị trường du lịch trọng điểm, đáp ứng nhu cầu du lịch của khách trong và ngoài nước.
 
Bà Ánh Hoa cũng nhấn mạnh, du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, đòi hỏi tính phục vụ và sáng tạo rất cao, do vậy đội ngũ nhân lực du lịch cũng phải ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Vì vậy, ngành du lịch thành phố sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, tăng cường công tác phổ biến ý thức và trách nhiệm quảng bá du lịch trong cộng đồng nhằm nâng cao điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn của du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trong mắt du khách nội địa và quốc tế./.
  Gia Thuận
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm