Quảng Trị đẩy mạnh phát triển du lịch biển đảo

 Quảng Trị đẩy mạnh phát triển du lịch biển đảo
Cồn Cỏ nằm án ngữ cửa ngõ phía Nam vịnh Bắc bộ nên được ví như "mắt thần" hay "vọng gác tiền tiêu". Ảnh: Nguyên Lý - TTXVN
Cồn Cỏ nằm án ngữ cửa ngõ phía Nam vịnh Bắc bộ nên được ví như "mắt thần" hay "vọng gác tiền tiêu". Ảnh: Nguyên Lý - TTXVN

Du lịch biển đảo là một trong những loại hình du lịch thu hút được nhiều du khách đến Quảng Trị, nhất là “tam giác” du lịch biển Cửa Tùng – Cửa Việt – Cồn Cỏ. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị Nguyễn Văn Chiến, tỉnh có nhiều chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp, khi đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi, triển khai các tour ra đảo Cồn Cỏ trong “tam giác” du lịch biển Cửa Tùng – Cửa Việt – Cồn Cỏ. Đầu tư vào "tam giác" du lịch biển này, đáng chú ý có Tập đoàn FLC đang xem xét thực hiện Dự án "Tổ hợp khu du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị biển FLC - Quảng Trị". Tổ hợp du lịch biển này có tổng diện tích trên 700 ha, gồm các khu biệt thự nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại dịch vụ, công viên biển. Trong khi đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn AE đã đầu tư Dự án Khu đô thị sinh thái biển AE Resort – Cửa Tùng, có diện tích trên 36 ha, tổng mức đầu tư hơn 490 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2018 - 2021.

Đối với tour ra đảo Cồn Cỏ, từ cuối tháng 8/2018, UBND huyện đảo Cồn Cỏ đã đưa vào sử dụng tàu cao tốc vận chuyển khách du lịch từ Cửa Việt ra đảo Cồn Cỏ, qua đó giúp rút ngắn thời gian đi từ đất liền ra đảo Cồn Cỏ từ 2 giờ xuống còn 45 phút. Đến năm 2020, huyện đảo Cồn Cỏ phấn đấu có từ 2 - 3 tàu cao tốc hoạt động phục vụ du khách đến với đảo để nghỉ dưỡng, lặn biển...

Năm 2019, tỉnh Quảng Trị sẽ có nhiều hoạt động thu hút khách du lịch. Theo đó, hưởng ứng "Năm Du lịch Quốc gia 2019", Quảng Trị có các hoạt động kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh (1/7/1989 – 1/7/2019); 65 năm Đặc khu Vĩnh Linh (25/8/1954-25/8/2019); Liên hoan nghệ thuật 5 nước: Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan. Tỉnh cũng có các sản phẩm du lịch mới như: Tuyến phố lễ hội bên bờ sông Thạch Hãn tại thị xã Quảng Trị, Khu du lịch Klu ở huyện miền núi Đakrông, Phố đi bộ và chợ đêm ở thành phố Đông Hà; các điểm du lịch trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây...

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục quảng bá thương hiệu du lịch “Ký ức chiến tranh – Khát vọng hòa bình”, nhằm thu hút du khách đến với hệ thống trên 500 di tích lịch sử cách mạng; trong đó có 4 Di tích Quốc gia đặc biệt gồm: Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; Đường Hồ Chí Minh; Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972. Đồng thời, tỉnh tăng cường liên kết để làm hấp dẫn hơn các tour du lịch vùng phi quân sự, du lịch tâm linh, hoài niệm về chiến trường xưa như: Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9; Đường 9 – Khe Sanh - Làng Vây - Lao Bảo – Sân bay Tà Cơn – đồi Động Tri; Căn cứ Dốc Miếu và Hàng rào điện tử Mc.Namara…

Năm 2018, Quảng Trị đón 1.820.000 lượt du khách, tăng hơn 10% so với năm cùng kỳ năm 2017; tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 1.620 tỷ đồng...
Nguyên Lý
TTXVN

Có thể bạn quan tâm