Phục Hòa tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu

Phục Hòa tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu
Từ năm 2003 đến nay, Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng đã được đầu tư hơn 210 tỷ đồng để thực hiện 21 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở trên địa bàn, trong đó đã hoàn thiện các dự án: đường thị trấn cửa khẩu Tà Lùng; cải tạo, sửa chữa Trạm kiểm soát liên hợp Cửa khẩu Tà Lùng, dự án cấp nước; Cải tạo, sửa chữa nhà làm việc của lực lượng Hải quan, Biên phòng, Ban Quản lý Cửa khẩu Tà Lùng... Huyện chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất đai cho các công trình. Rà soát các vụ việc, các nội dung còn vướng mắc để giải quyết hoặc trình UBND tỉnh giải quyết theo thẩm quyền. Việc thực hiện các chính sách bồi thường, hỗ trợ và cấp đất tái định cư được quan tâm đảm bảo quyền lợi chính đáng của các hộ dân khi Nhà nước thu hồi đất; đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quân tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, xử lý xây dựng công trình vi phạm quy hoạch. 


Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ vận tải Phúc Lộc đã ứng trước hơn 2 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng xây dựng kho bãi tại khu vực Cửa khẩu Tà Lùng.
Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ vận tải Phúc Lộc đã ứng trước hơn 2 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng xây dựng kho bãi tại khu vực Cửa khẩu Tà Lùng.

 
Ông Đàm Văn Hầu, Phó Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Tà Lùng cho biết: Khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế Cửa khẩu Tà Lùng là hạ tầng cơ sở các khu tái định cư hiện chưa được đầu tư đồng bộ các hạng mục như đường, điện, nước... Việc đền bù giải phóng mặt bằng cũng trong tình trạng không có mặt bằng sạch. Để khắc phục tình trạng này, Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu đã tạo điều kiện, khuyến khích một số doanh nghiệp ứng vốn để đền bù giải phóng mặt bằng, sau khi dự án đi vào hoạt động sẽ trừ dần vào tiền thuê đất. Hiện nay, các doanh nghiệp đã ứng hơn 12 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng khoảng 14 ha đất. Đơn cử như Công ty Phúc Lộc, Công ty Bình An, mỗi đơn vị đã tự ứng hơn 2 tỷ đồng để giải phóng trên 4 ha đất xây dựng kho bãi... 
Đến nay, đã có 29 nhà đầu tư được cấp chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực để thực hiện 35 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký  2.141 tỷ đồng và 36,355 triệu USD. Trong đó có 9 dự án của 8 doanh nghiệp có vốn FDI. Có 17 dự án của 16 nhà đầu tư, 6 hợp tác xã dịch vụ đã đi vào hoạt động, sử dụng trên 1.000 lao động thường xuyên và một số lượng lớn lao động tự do hoạt động bốc xếp hàng hóa theo thời vụ. Cùng với đó, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã trình UBND tỉnh thu hồi 4 dự án đầu tư tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Tà Lùng do triển khai chặm, gồm: dự án đầu tư Xưởng chế biến thức ăn chăn nuôi của Công ty TNHH một thành viên CT; Dự án lắp ráp đầu thu kỹ thuật số của Công ty TNHH Hồng Hải; Dự án khai thác, chế biến Bauxit của Công ty Na Rì Hamico; Dự án kinh doanh nhà hàng, khách sạn, văn phòng giới thiệu sản phẩm của Công ty TNHH Kim Thái. 
Huyện giới thiệu, mời gọi đầu tư với một số doanh nghiệp Trung Quốc trong các lĩnh vực du lịch, trồng và chế biến nông sản. Bước đầu đã có doanh nghiệp Trung Quốc liên doanh với doanh nghiệp trong nước chuẩn bị đầu tư trồng khoảng 300 ha chuối tại thị trấn Hòa Thuận và xã Đại Sơn, sẵn sàng đầu tư vào vùng trồng mía xuất khẩu. Dự kiến, doanh nghiệp sẽ thuê đất với giá 30 - 70 triệu đồng/ha/năm, thuê nhân công tại chỗ trả lương khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.

Có thể bạn quan tâm