Phát huy tiềm năng du lịch biển, đầm phá Tam Giang

Phát huy tiềm năng du lịch biển, đầm phá Tam Giang
Vịnh Lăng Cô được tổ chức Worldbays Club bình chọn là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới (cùng với vịnh Hạ Long và Nha Trang). Vịnh Lăng Cô có chiều dài 42,5 km, cách thành phố Huế hơn 60 km và cách Đà Nẵng 20 km; là vịnh biển gần như nguyên sơ nằm dưới chân đèo Hải Vân, với bãi tắm phẳng lì, nước xanh ngắt cùng hệ sinh thái rất đa dạng, phong phú. Đây là một trong những thắng cảnh, địa danh du lịch nổi tiếng của tỉnh Thừa Thiên - Huế, được vua Khải Định xem là chốn bồng lai tiên cảnh.
 
Vịnh Lăng Cô nằm dưới chân đèo Hải Vân thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN
Vịnh Lăng Cô nằm dưới chân đèo Hải Vân thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN

Ngoài những giá trị mà thiên nhiên đã ban tặng, vịnh Lăng Cô còn là một bộ phận trên con đường di sản miền Trung từ động Phong Nha, cố đô Huế đến phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn; nằm trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây; là một trong 3 vùng du lịch lớn nhất Việt Nam trong kế hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, khu vực Lăng Cô được định hướng phát triển gắn kết lâu dài với khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và cảng nước sâu Chân Mây - Lăng Cô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm bảo đảm phát triển bền vững và toàn diện.

Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, nhiều năm qua, tỉnh Thừa Thừa Huế đã có nhiều chương trình, kế hoạch hành động nhằm quảng bá, thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào khu vực vịnh Lăng Cô. Theo đó, cùng với các vùng đầm phá và những bãi biển đẹp của tỉnh được chú trọng đầu tư, nâng cấp và phát triển, vịnh Lăng Cô được xem là mũi đột phá của du lịch biển với các mục tiêu cụ thể như xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí biển tầm cỡ khu vực và quốc tế, gắn với thành phố Huế thành đầu mối liên kết vùng với các trung tâm du lịch lớn trong nước và quốc tế; hình thành tuyến du lịch Huế - Cảnh Dương - Cù Dù - Lăng Cô - Sơn Chà và tuyến du lịch đường biển Lăng Cô - Sơn Chà - Đà Nẵng - Hội An…

Hiện nay, bên cạnh nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đang hoạt động có hiệu quả như Nirvana Spa & Resort, Cố Đô, Hương Giang, Thanh Tâm, Lăng Cô vẫn đang đón nhận thêm nhiều dự án đầu tư mới vào nơi này như Khu du lịch Laguna Huế, Khu du lịch Bãi Chuối, Khu du lịch sinh thái đầm Lập An, Khu phức hợp văn phòng, khách sạn Thủ Đức Lăng Cô, Khu du lịch nghỉ dưỡng Dream Palace... Ngoài các đơn vị có chỗ đứng cách đây hàng chục năm như Công ty cổ phần du lịch Hương Giang, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thanh Tâm, du lịch Cố Đô và hệ thống nhà nghỉ của khách sạn Công đoàn (thuộc Liên đoàn lao động tỉnh), mới đây có thêm các dự án đầu tư nước ngoài đến triển khai xây dựng.

Tại khu du lịch Lăng Cô hiện có 6 khu du lịch tổng hợp, 45 khách sạn, nhà nghỉ hoạt động với khoảng 1.200 phòng, 1.800 giường, cùng hàng chục nhà hàng ăn uống phục vụ du khách. Lượng khách du lịch tăng bình quân hàng năm trên 25%, doanh thu tăng bình quân 20%. Số lượng khách đến Lăng Cô chiếm 16% tổng lượt khách đến Thừa Thiên-Huế. Năm 2017, Lăng Cô thu hút khoảng hơn 1 triệu lượt khách du lịch; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.

Ngoài biển Lăng Cô, Thừa Thiên - Huế còn tập trung khai thác các bãi biển Cảnh Dương (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc); bãi biển Vinh Thanh (xã Vinh Thanh, Phú Lộc); bãi biển Hàm Rồng (xã Vinh Hiền, Phú Lộc); bãi biển Thuận An. Riêng bãi biển Thuận An ở cuối nguồn sông Hương đổ ra phá Tam Giang, chảy ra biển Đông, cách Kinh thành Huế về hướng Đông khoảng 13 km, đã được vua Thiệu Trị xếp là cảnh đẹp thứ 10 trong "Thần kinh nhị thập cảnh". Khác với những bãi biển lân cận miền Trung, đặc thù địa lý và khí hậu đã tạo nên một biển Thuận An luôn biến đổi kỳ ảo theo mùa. Bãi biển Thuận An dài 12 km, cách thành phố Huế hơn 10km, đường đi thuận tiện và đẹp lãng mạn với dòng kênh xanh, vườn cây, đồng lúa, phá Tam Giang…Đây là nơi tổ chức tour du lịch "Thuận An biển gọi" trong các kỳ Fesstival Huế.

Kết hợp với các bãi biển, Thừa Thiên - Huế đã và đang tiến hành khảo sát, xây dựng tour du lịch đầm phá Tam Giang để thu hút khách du lịch. Phá Tam Giang kéo dài từ cửa sông Ô Lâu đến cầu Thuận An, thông với biển Đông có chiều dài 25 km, chiều rộng từ 0,5-4 km, diện tích mặt nước khoảng 52 km2; hệ thống đầm Thủy Tú, đầm Cầu Hai, đầm An Cư. Ở đây được xem như là vùng điều hòa khí hậu giữa hai vùng cát, điều tiết lũ lụt và làm giảm khả năng ngập úng cho vùng đồng bằng. Về tài nguyên để khai thác du lịch, ở đầm phá Tam Giang có vực nước, cồn cát chắn sát biển và các cửa biển. Cư dân vùng đầm phá, ven biển có nguồn gốc lâu đời với một bản sắc văn hóa đặc biệt - văn hóa của cư dân sống trên mặt nước (mưu sinh trên đầm phá là chủ yếu).

Các lễ hội dân gian ở đây khá đặc biệt gắn với tín ngưỡng, tôn giáo, tinh thần thượng võ của vùng sông nước; một số lễ hội diễn tả khung cảnh sản xuất trên đầm phá và mong muốn sự may mắn bình yên, có vụ mùa bội thu. Liền kề đầm Cầu Hai, phá Tam Giang còn có núi, vườn Quốc Gia Bạch Mã, sông Hương và các bãi biển nổi tiếng tạo nên tuyến du lịch liên hoàn sông - đầm phá - biển - núi rất thú vị. Tất cả những yếu tố này là tiền đề để tổ chức nhiều loại hình du lịch phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách, đặc biệt là nhu cầu về du lịch sinh thái.

Tour du lịch biển và đầm phá từng được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) và Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Hà Lan (IUCN-NL) tài trợ thông qua Quỹ dự án nhỏ về du lịch bền vững và đa dạng sinh học. Khởi hành từ Huế, du khách sẽ được tham quan đình làng Thủ Lễ (thị trấn Sịa), di tích lịch sử cấp quốc gia hiện còn giữ được nét kiến trúc cổ xưa, sau đó đến thôn Ngư Mỹ Thạnh tham quan nhà trưng bày các loài sinh vật, xem trình diễn đan lưới, quy cách sử dụng các ngư lưới cụ trong đánh bắt.

Trong quá trình trải nghiệm, du khách có thể đi xe đạp đến thăm vườn rau, tham gia vào hoạt động chăm sóc cây cỏ và mua các sản vật rau, củ, quả ngay tại địa phương và vào làng Thủy Lập để tham gia hoạt động đan lát; chứng kiến các bước để hoàn thiện một sản phẩm mây tre đan hoặc tự tay thực hiện các kiểu đan đơn giản trước khi trở lại thôn Ngư Mỹ Thạnh; cùng nhau vượt phá Tam Giang sang xã Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) tham quan khu lăng mộ, xem múa  truyền thống do các thiếu nhi biểu diễn và tắm tại bãi biển thôn Tân Mỹ; ghé thăm làng nghề sản xuất các sản phẩm mây tre đan lát Bao La trước khi trở về Huế.

Trước mắt, theo ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, bên cạnh khuyến mãi kích cầu, các khu resort ven biển, đầm phá nên tổ chức những hoạt động ấn tượng để quảng bá, thu hút du khách, đồng thời phát triển các dịch vụ khác, ... Khơi dậy tiềm năng du lịch biển và đầm phá ở Thừa Thiên - Huế đang là bước đi đúng hướng, góp phần thu hút du khách, làm đa dạng thêm dịch vụ du lịch, vốn lâu nay chỉ bó hẹp trong khung cảnh lăng tẩm, đền đài và hệ thống di tích cố đô Huế. Điều đáng lưu ý là Thừa Thiên - Huế cần chú trọng đầu tư đúng mức, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với các điểm tắm biển để thuận tiện trong việc đi lại; phát triển hệ thống dịch vụ phục vụ khách tại các bãi tắm; khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, mang nặng tính mùa vụ trong kinh doanh du lịch, dịch vụ.
Quốc Việt   
TTXVN

Có thể bạn quan tâm