Phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống gắn với phát triển du lịch

Phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống gắn với phát triển du lịch
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Tày ở xã Phù Ngọc (Hà Quảng).
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Tày
ở xã Phù Ngọc (Hà Quảng).

Nguyên liệu chính để dệt thổ cẩm là sợi bông nhuộm chàm và tơ tằm nhuộm màu. Dệt thổ cẩm hoàn toàn bằng thủ công cần giăng khung cửi dệt thổ cẩm, giăng sợi dọc có màu chàm xanh để làm nền, sợi ngang đan qua là những sợi màu để tạo hoa văn. Trên tấm thổ cẩm của người Tày thường có 6 màu chủ đạo, gồm: xanh, đỏ, vàng, tím, trắng, đen. Từ các màu chủ đạo đó, người dệt đã pha chế các gam màu đậm, nhạt phù hợp theo ý tưởng cho từng sản phẩm. Cách bố cục họa tiết trên thổ cẩm rất đa dạng tạo nên những tấm thổ cẩm có hình dạng vô cùng đặc sắc. Các họa tiết thường được người Tày đưa vào thổ cẩm là những hình ảnh của những loài hoa, chim muông, thú quý..., thân thiện với đời sống, hòa quyện cùng mây trời, non nước thường ngày. Đây là nét riêng tạo nên thổ cẩm của người Tày Cao Bằng không thể lẫn được với thổ cẩm của người Tày ở những địa phương khác.

Từ những tấm thổ cẩm, người phụ nữ Tày khéo léo may thành chăn, khăn trải bàn, ga trải giường, rèm..., trang trọng và lịch sự. Đặc biệt, các sản phẩm thổ cẩm được dùng trong đời sống tâm linh như những tấm trướng che bàn thờ, một số chi tiết cấu thành những tấm áo, mũ, khăn, túi đựng đồ nghề, đệm ngồi của các thầy cúng: Then, Tào, Bụt…
Thổ cẩm giữ vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần, vật chất, tâm linh của người Tày, nhất là những cô gái. Trong ngày cưới, khi cô dâu sang đến nhà chồng, tất cả chăn màn, ga, gối, đệm..., do cô dâu tự dệt đều được bày ở gian giữa nhà trước bàn thờ tổ tiên nhà chồng như một cách để gia đình chồng, họ hàng, người cao tuổi đánh giá mức độ khéo tay và tính kiên trì nhẫn nại, trí thông minh của cô dâu thông qua các sản phẩm thổ cẩm vừa mang tới.
Những sản phẩm thổ cẩm và nghề dệt thổ cẩm đã trải qua biết bao biến cố của thời cuộc. Một thời gian dài, nghề dệt thổ cẩm đứng trước những thách thức, bởi sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ, không cạnh tranh nổi với sản phẩm công nghiệp; đời sống của những người làm nghề, đặc biệt là các nghệ nhân gặp khó khăn nên một số người đã bỏ nghề. Nhưng những năm gần đây, thị trường mở cửa, các làng dệt thổ cẩm và các nghệ nhân thổ cẩm đã phục hồi dần nghề truyền thống của mình. Những sản phẩm thổ cẩm sản xuất theo quy trình dệt thủ công của làng nghề truyền thống được khách hàng ưa chuộng và tin dùng, không chỉ trong tỉnh mà còn có một số lượng khách hàng tại các tỉnh khác trên phạm vi toàn quốc. Các sản phẩm thổ cẩm, như: vỏ chăn, khăn trải bàn, ga trải giường, đệm ghế, ri đô, túi xách, ba lô du lịch…, bằng thổ cẩm được khách du lịch mua làm quà lưu niệm để tặng người thân, bạn bè.

Thổ cẩm của người Tày Cao Bằng là sản phẩm thủ công của các làng nghề truyền thống vừa có giá trị kinh tế, vừa có giá trị văn hóa đậm nét. Vì vậy, cần bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm thủ công truyền thống ở Cao Bằng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đó cũng là cơ sở để phát triển loại hình du lịch dân tộc học, du lịch văn hóa học, du lịch môi trường sinh thái. Để có thể đáp ứng được nhu cầu khai thác các tour du lịch về các làng nghề, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu và tìm kiếm cơ hội kinh doanh của khách du lịch thì các cấp, ngành, chính quyền địa phương, tỉnh cần đầu tư vốn, tìm hướng đi, giải pháp để khôi phục và phát triển các làng nghề dệt thổ cẩm thủ công truyền thống của dân tộc Tày tại địa phương.
Theo baocaobang.vn

Có thể bạn quan tâm