Ninh Thuận đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa

Ninh Thuận đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có 149 di sản văn hóa; trong đó 50 di sản văn hóa đã được lập hồ sơ xếp hạng ở các cấp, 2 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia, 34 di tích cấp tỉnh, 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ninh Thuận là 1 trong 21 tỉnh, thành phố có Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là tiềm năng lớn để địa phương khai thác, phát triển loại hình du lịch văn hóa.
 
Tháp Po Rome ở làng Chăm Hậu Sanh, Ninh Phước (Ninh Thuận) là nơi diễn ra lễ hội Kate vào tháng 10 hàng năm của đồng bào Chăm. Ảnh: Putra Jatrai
Tháp Po Rome ở làng Chăm Hậu Sanh, Ninh Phước (Ninh Thuận) là nơi diễn ra lễ hội Kate vào tháng 10 hàng năm của đồng bào Chăm. Ảnh: Putra Jatrai

Ninh Thuận có nhiều đình, chùa mang các phong cách kiến trúc, nghệ thuật tôn giáo riêng tồn tại hàng thế kỷ đến nay vẫn là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng của cộng đồng. Đặc biệt, đến Ninh Thuận, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng, khám phá hệ thống các đền tháp Chăm vẫn gần như còn nguyên vẹn gồm: Quần thể tháp Hòa Lai (cuối thế kỷ thứ VIII), tháp Pô Klong Garai (thế kỷ XIII - XIV) và tháp Po Rome (thế kỷ XVI-XVII). Đây là những đền tháp Chăm có nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc độc đáo thuộc vào loại đẹp nhất của các đền tháp Chăm ở Việt Nam hiện nay. Trong đó, tháp Pô Klong Garai ở cách Quốc lộ 27 khoảng 200 m, nằm ở vị trí rất thuận tiện cho du khách đến tham quan - đây cũng là một trong những địa điểm tham quan nổi tiếng nhất hiện nay ở Ninh Thuận.

Gắn với các di tích, hàng năm, trên địa bàn tỉnh có nhiều lễ hội được tổ chức như: Lễ hội cầu ngư của ngư dân vùng biển, lễ bỏ mã của người Raglai, lễ hỏa táng của người Chăm theo đạo Bà la môn. Trong đó nổi bật nhất là lễ hội Ka tê của đồng bào Chăm theo đạo Bà la môn tổ chức vào tháng 7 lịch Chăm (khoảng tháng 10 dương lịch) để cầu sức khỏe,  mùa màng tốt tươi, tạ ơn các vị thần có công với dân làng. Mùa lễ hội Ka tê diễn ra trong không khí sôi động trên một không gian rộng lớn lần lượt từ đền tháp rồi sau đó đến các làng, cuối cùng là các hộ gia đình. Lễ hội Ka tê với các điệu múa như múa roi, múa đạp lửa, múa quạt, múa đội lu, múa khăn của những cô gái Chăm nhịp nhàng, uyển chuyển trong tiếng trống Ginơng, trống Baranưng, kèn Xaranai khắp nơi rộn rã khiến nhiều du khách say đắm tìm về.

Ngoài tổ chức các lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc, Ninh Thuận đã xây dựng, đưa vào khai thác tour du lịch làng nghề khá hiệu quả với hai làng nghề truyền thống của đồng bào Chăm. Trong đó, làng gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước) có tuổi đời trên 500 năm, được coi là một trong hai làng gốm cổ xưa nhất Đông Nam Á và đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến làng gốm Bàu Trúc, du khách sẽ được chứng kiến kỹ thuật và tham gia chế tác gốm hoàn toàn thủ công với kỹ thuật “nặn bằng tay, xoay bằng hông” rất độc đáo...

Làng dệt Mỹ Nghiệp cũng là địa điểm không thể bỏ qua trong tour tham quan làng nghề truyền thống ở Ninh Thuận. Làng dệt Mỹ Nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm thổ cẩm với những hoa văn độc đáo, sản phẩm đa dạng như tấm ra, chăn, khăn trang trí, túi xách, quần áo, ba lô, cà vạt, ví nam, nữ được nhiều du khách ưa chuộng. Khi tới tham quan, mua sắm sản phẩm thổ cẩm truyền thống, du khách sẽ được thuyết minh ý nghĩa các hoa văn trên sản phẩm - điều tạo nên nét đặc trưng riêng cho sản phẩm thổ cẩm của người Chăm ở Ninh Thuận. Ngoài ra, nghề làm nỏ, gùi, đàn Chapi ở các xã có đông đồng bào Raglai sinh sống (huyện Bác Ái) cũng đang được nghiên cứu để phục vụ phát triển du lịch văn hóa cộng đồng.

Ông Nguyễn Trần Vượng, Trưởng phòng Quản lý du lịch - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận cho biết: Để khai thác và phát triển bền vững loại hình du lịch văn hóa, tỉnh Ninh Thuận đang kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng du lịch kết hợp với triển khai đồng bộ các dự án phục hồi, tu bổ, tôn tạo di tích nhằm phục vụ nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của nhân dân, khách tham quan, nghiên cứu. Bên cạnh đó, ngành Du lịch Ninh Thuận tập trung nâng cao chất lượng tour, tuyến từ thành phố Phan Rang-Tháp Chàm tới các huyện để khai thác, phát huy giá trị di sản tiêu biểu nhằm xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa đặc thù của địa phương.
Nguyễn Thành
TTXVN

Có thể bạn quan tâm