Những triệu phú dâu tằm trên vùng đất khó

Những triệu phú dâu tằm trên vùng đất khó
Anh Nông Văn Hoàn, xóm Nà Hôm, xã Hồng Trị (Bảo Lạc) kiểm tra kén tằm.
Anh Nông Văn Hoàn, xóm Nà Hôm, xã Hồng Trị (Bảo Lạc) kiểm tra kén tằm.
Nghề trồng dâu, nuôi tằm vốn được coi là nghề truyền thống của người dân vùng ven đồng bằng châu thổ sông Hồng. Những bãi bồi ven sông đã cung cấp phù sa làm nên cánh đồng dâu xanh tốt, ươm những nong kén vàng ươm, dệt nên những sản phẩm độc đáo tơ lụa. Lợi ích kinh tế của nghề này đã được dân gian tổng kết bằng câu "nuôi lợn cả năm không bằng nuôi tằm một lứa”. Nhưng nét độc đáo ở đây là nghề này lại xuất hiện tại vùng biên giới huyện Bảo Lạc (Cao Bằng), một trong những huyện nghèo nhất nước và đang giúp người dân vốn chỉ quen với trồng lúa, ngô lại làm giàu chính đáng bằng nghề trồng dâu nuôi tằm ngay trên mảnh đất của mình. 

Xuất phát từ chủ trương hợp tác quốc tế về trồng dâu nuôi tằm giữa huyện Bảo Lạc (Cao Bằng, Việt Nam) với huyện Nà Po (Bách Sắc, Quảng Tây, Trung Quốc), năm 2012, Chính phủ Nà Po đã hỗ trợ kinh phí cho 5 nông dân xóm Phiêng Mòn, xã Cô Ba, Bảo Lạc (Việt Nam) sang học tập kinh nghiệm tại Trung Quốc; hỗ trợ 250.000 hom giống cây dâu, cung cấp tài liệu và hướng dẫn trực tiếp kỹ thuật trồng, chăm sóc; định kỳ sang kiểm tra, hướng dẫn kịp thời kỹ thuật cho các hộ tham gia thực hiện mô hình. UBND huyện Bảo Lạc hỗ trợ xây dựng nhà tằm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và cử cán bộ hướng dẫn, theo dõi mô hình. Ban đầu, mô hình chỉ có 11 hộ dân xóm Phiêng Mòn tham gia trồng 3 ha dâu để nuôi tằm. Trải qua nhiều thăng trầm tưởng như không trụ được, kết quả đạt được năm đầu tương đối tích cực với năng suất đạt 1,5 tấn kén/ha, trừ chi phí đầu tư lãi hơn 65 triệu đồng/ha, cao hơn trồng lúa, ngô, đã tạo động lực cho nhiều hộ nông dân Bảo Lạc mạnh dạn chuyển sang trồng dâu, nuôi tằm. 

Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn truyền thống của người Tày, anh Nông Văn Hoàn, xóm Nà Nôm, xã Hồng Trị (Bảo Lạc) chia sẻ, có được kết quả như hôm nay, anh đã phải trải qua nhiều khó khăn, nhiều lúc muốn bỏ nghề. Sau nhiều lần chuyển đổi nghề từ trồng cỏ nuôi bò, trồng hồi cất tinh dầu... nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao, vì nuôi bò phải 2 - 3 năm mới cho xuất chuồng, tuy được vài chục triệu đồng nhưng rủi ro cao. Năm 2012, thấy mô hình trồng dâu nuôi tằm ở Phiêng Mòn, xã Cô Ba đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh sang tận nơi tìm hiểu, học tập kinh nghiệm và năm 2013 chính thức đầu tư mua 25.000 hom giống dâu về trồng trên 0,75 ha đất canh tác của gia đình. Tháng 3/2014, anh sang Trung Quốc mua giống tằm về nuôi. Tuy nhiên, trong 8 lứa tằm ban đầu, chỉ thu hoạch được 2 lứa đầu hơn 140 kg kén; 6 lứa tằm sau do không có kinh nghiệm, tằm bị bệnh như chảy mủ, chạy bỏ nong... nên không cho thu hoạch. Năm đầu tuy thất bại nhưng tiền bán 140 kg kén sau khi trừ chi phí đầu tư cho thu nhập 15 triệu đồng nên anh quyết tâm sang Trung Quốc mời chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm. 

Thành công đã đến với nỗ lực của anh Hoàn. Năm 2015, anh nuôi được 12 lứa tằm, trừ chi phí cho thu nhập 120 triệu đồng. Năm 2016, anh nuôi 11 lứa tằm, bình quân mỗi lứa cho thu 80 - 90 kg kén, trừ chi phí thu 145 triệu đồng. Bí quyết của anh Hoàn là áp dụng nghiêm quy trình kỹ thuật nuôi tằm. Chỗ nuôi tằm phải khô ráo, nền láng xi măng sạch sẽ, xung quanh quây bằng bạt đảm bảo kín gió, được khử trùng. Tằm được nuôi trên nong trong 10 ngày rồi chuyển xuống sàn xi măng. Nuôi tiếp thêm 5 ngày nữa thì tằm vào kén và khoảng 18 ngày có thể xuất bán. Mỗi năm anh nuôi 2 vụ, 10 - 12 lứa tằm (tùy thuộc vào lượng lá dâu thu hoạch), bình quân đạt 70 kg kén/lứa, cao đến 80 - 90 kg kén/lứa. Chia sẻ kinh nghiệm nuôi tằm đạt năng suất cao, anh Hoàn cho biết thêm là theo hướng dẫn, bà con thường chăn tằm 3 lần vào các buổi sáng, trưa, chiều. Buổi tối tằm không được ăn nên năng suất bình quân chỉ đạt 50 kg kén/lứa. Căn cứ theo sản lượng lá dâu, anh chăn tằm 4 - 5 lần/ngày, đến 9 giờ tối tằm được chăn nên khi thu hoạch, tằm cho kén to, nặng, năng suất cao hơn. 

Đến nay, nghề trồng dâu nuôi tằm của Bảo Lạc đã phát triển, nhân rộng ra nhiều xã biên giới: Cốc Pàng, Cô Ba, Khánh Xuân đến nội địa như: Hồng Trị, Bảo Toàn... với diện tích tăng lên 110,97 ha dâu. Từ trồng dâu nuôi tằm, ngoài mô hình của anh Nông Văn Hoàn, xóm Nà Nôm, xã Hồng Trị cho thu nhập hơn trăm triệu đồng/năm, tại Bảo Lạc đã xuất hiện các triệu phú như: Nguyễn Văn Và, Nguyễn Văn Thường, Nguyễn Văn SLấn..., xóm Phiêng Mòn, xã Cô Ba; Hoàng Việt Hùng, xóm Khuổi Đẩu, xã Cốc Pàng; Nông Văn Chấn, Nông Văn Bằng, Lều Văn Vạn, xã Hồng Trị; Lương Văn Đỗ, Hoàng Văn Thăng, xã Bảo Toàn và rất nhiều hộ khác trồng khoảng 30.000 gốc dâu, mỗi năm nuôi 6 - 7 lứa tằm, bán kén cho thu nhập 50 - 60 triệu đồng/năm. 
 
Cánh đồng dâu giống mới của gia đình ông Nguyễn Văn Và, xóm Phiêng Mòn, xã Cô Ba (Bảo Lạc).
Cánh đồng dâu giống mới của gia đình ông Nguyễn Văn Và, xóm Phiêng Mòn, xã Cô Ba (Bảo Lạc).
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lạc Lãnh Thị Mai cho biết: Vốn đầu tư trồng dâu, nuôi tằm không lớn, khoảng 30 triệu đồng gồm mua hom giống dâu, phân bón, vật dụng nuôi... Bình quân để nuôi được một lứa tằm cần trồng khoảng 0,5 ha dâu. Mỗi lứa chi phí mua tằm giống khoảng 500 nghìn đồng. Việc đầu tư cây giống chỉ thực hiện trong năm đầu tiên; nếu biết cách chăm sóc, phòng trừ bệnh tốt sẽ sớm cho thu hoạch, thời gian sống của cây dâu có thể kéo dài 10 - 15 năm.

Có thể khẳng định trồng dâu nuôi tằm của Bảo Lạc đang là hướng đi để nông dân thoát nghèo bền vững. Năm 2017, huyện sẽ vận động nông dân mở rộng diện tích trồng dâu lên 130 ha, phấn đấu nhân rộng diện tích cây dâu tằm lên 300 ha. Để dâu tằm thực sự trở thành hàng hóa, nông dân yên tâm sản xuất, huyện sẽ tìm kiếm thị trường ổn định cho sản phẩm kén tằm, tăng cường hội đàm với huyện Nà Po (Trung Quốc), tạo điều kiện cho việc tiêu thụ sản phẩm qua đường chính ngạch.                        
Theo baocaobang.vn

Có thể bạn quan tâm