Nhiều cơ hội để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch

Nhiều cơ hội để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch
Ảnh minh họa - TTXVN
Ảnh minh họa - TTXVN

Du lịch đã được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới, với mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa. Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, điều này đồng nghĩa thị phần du lịch còn rất nhiều tiềm năng để khai thác, là điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực này phát triển. Nhìn trên thị trường hiện nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước thật sự bứt phá chiếm lĩnh thị trường là gần như không có. Chúng ta cần nhanh chóng nghiên cứu, phát triển doanh nghiệp lĩnh vực này, nếu không sẽ bị các công ty nước ngoài chiếm lĩnh thị trường.

Trong năm 2016, số lượng khách du lịch quốc tế đạt 10 triệu lượt người, tăng hơn 4,3 lần so với năm 2001. Khách du lịch nội địa đạt 62 triệu lượt người, tăng 5,3 lần so với năm 2001. Tốc độ phát triển nhanh và có nhiều đóng góp cho nền kinh tế nhưng các đại biểu cho rằng, tiềm năng lớn như vậy nhưng chưa tận dụng tốt. Trước sự bùng nổ công nghệ hiện nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp phải có bước đi chắc chắn, nắm bắt xu thế, liên tục đổi mới sáng tạo nhằm có những sản phẩm cạnh tranh tốt, nếu không sẽ bị “thâu tóm” hoặc đóng cửa.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết, hiện có trên 10 doanh nghiệp dịch vụ du lịch được thành lập từ những nhân viên từng làm cho Vietravel. Đây là tín hiệu tốt cho phong trào khởi nghiệp, nhất là trong lĩnh vực du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, điều lo lắng nhất là nhiều doanh nghiệp trong số đó vẫn “sao chép” mô hình của Vietravel trước đây, vốn đã lỗi thời nên khả năng cạnh tranh không cao, khó thành công. Do vậy, các doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ để tạo ra những sản phẩm dịch vụ riêng và thường xuyên đổi mới để có thể tồn tại, phát triển.

Cùng quan điểm này, ông Phạm Duy Hiếu, Giám đốc Điều hành SVF cho rằng, doanh nghiệp muốn đứng vững trước hết không được mất khách hàng, trong đó làm sao tránh để khách hàng cảm thấy “không hài lòng”, vì 90% khách sẽ không quay trở lại với mình khi có một lần thất vọng. Đặc biệt, những lĩnh vực dịch vụ như du lịch, phải luôn đổi mới sáng tạo, có các sản phẩm khiến khách hàng “ngạc nhiên” mới thu hút được khách. Sự sáng tạo đó phải được huy động, tận dụng từ tập thể các nhân viên trong doanh nghiệp, cho họ có cơ hội thể hiện ý tưởng để mang lại lợi ích cho công ty.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng nêu ra các giải pháp để phát triển du lịch Việt Nam, trong đó cần nhanh chóng tháo gỡ những “rào cản” về chính sách thu hút du khách, hạ tầng du lịch; xây dựng các văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài; liên kết các du lịch giữa các vùng, các đơn vị để tạo thành sản phẩm du lịch mang thương hiệu quốc gia…/.
Tiến Lực 

Có thể bạn quan tâm