Ngày Du lịch thế giới năm 2017 hướng tới phát triển bền vững

Ngày Du lịch thế giới năm 2017 hướng tới phát triển bền vững
Vịnh Hạ Long hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp quyến rũ và kỳ bí. Ảnh: Tiến Dũng - TTXVN
Vịnh Hạ Long hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp quyến rũ và kỳ bí.
Ảnh: Tiến Dũng - TTXVN

Câu hỏi đưa ra trong Ngày Du lịch thế giới năm 2017 là: Liệu có thể đưa cơ hội đón 1,8 tỷ lượt khách này để thúc đẩy thế giới phát triển bền vững trên cả 5 trụ cột hay không? Năm trụ cột đó là: Kinh tế tạo ra sự tăng trưởng bao trùm; xã hội mang lại cơ hội việc làm bền vững và trao quyền cho các cộng đồng; bảo tồn, làm giàu môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; về văn hóa cần tôn vinh và bảo tồn tính đa dạng, bản sắc, văn hóa vật thể, phi vật thể; hòa bình là điều kiện tiên quyết cơ bản đối với sự phát triển và tiến bộ. 

Tổng thư ký Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) Taleb Rifai nhấn mạnh: Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tuyên bố năm 2017 là Năm quốc tế về du lịch bền vững vì sự phát triển. Đây là cơ hội đặc biệt để thúc đẩy ngành du lịch và lữ hành phát triển, nhằm xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho loài người, hành tinh, hòa bình và thịnh vượng. Ông Taleb Rifai kêu gọi: Bất kể khi nào, bất kể nơi đâu khi đi du lịch, du khách khắp nơi trên thế giới cần: Tôn trọng tự nhiên, tôn trọng nền văn hóa, tôn trọng cộng đồng đón khách; đi du lịch, tận hưởng và tôn trọng… 

Từ năm 1980, Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc đã chọn ngày 27 tháng 9 hàng năm làm "Ngày Du lịch thế giới” nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của du lịch trong cộng đồng quốc tế... 

Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Từ năm 2011 đến nay, ngành du lịch đã đạt tốc độ tăng trưởng cao cả về lượng khách du lịch, tổng thu từ khách du lịch và cơ sở vật chất. Du lịch phát triển đã góp phần khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, di tích ở các địa phương. Nội dung văn hóa trong phát triển du lịch ngày càng được chú trọng, phát huy, góp phần nâng cao chiều sâu và giá trị của các sản phẩm du lịch. Nhận thức về du lịch ở Việt Nam đã có những chuyển biến quan trọng. Du lịch từ chỗ chỉ là hoạt động phục vụ nghỉ ngơi đơn thuần nay đã được xác định là ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thông qua phát triển du lịch, hình ảnh quốc gia và và các điểm đến được quảng bá rộng rãi trong nước, quốc tế, góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín đất nước, con người, văn hóa Việt Nam. 

Một trong những mục tiêu phát triển của du lịch Việt Nam được nêu trong “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” là: Phát triển du lịch bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo hài hòa, tương tác giữa khai thác phát triển du lịch với bảo vệ giá trị tài nguyên tự nhiên và nhân văn. 

Do đó, để phát triển bền vững du lịch trong tương lai, Việt Nam cần tiến hành đồng bộ nhiều yếu tố: Hoàn thiện hệ thống pháp luật; thực hiện quy hoạch phát triển du lịch tổng thể, bảo đảm tính khoa học, toàn diện; nâng cao năng lực cạnh tranh, chuyên nghiệp hóa công tác quảng bá, xúc tiến thu hút khách cũng như quản lý điểm đến; ổn định đời sống người dân; giữ gìn văn hóa bản địa và môi trường tự nhiên; chú trọng công tác bảo tồn, phát triển nguồn nhân lực... 
Thanh Giang
TTXVN

Có thể bạn quan tâm