Mai Châu hấp dẫn nhờ thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc

Mai Châu hấp dẫn nhờ thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc
Lên Mai Châu đúng vào ngày nghỉ cuối tuần và cũng đúng phiên chợ của vùng rẻo cao này, chị Nguyễn Thanh Thủy ở quận Thanh Xuân, Hà Nội say sưa chụp ảnh chợ thị trấn với bóng dáng các cô gái Thái, Mường về chợ với những bước di uyển chuyển, sặc sỡ sắc hoa văn thổ cẩm cạp váy, khăn Piêu… Con đường nhựa như sợi chỉ đen nối từ thị trấn vào bản Lác. Lọt thỏm giữa cánh đồng, bản người Thái hiện ra trước mắt với những ngôi nhà sàn xinh xắn, thanh thoát nép mình giữa màu xanh cây trái, cùng những ngôi nhà sàn bề thế sẫm màu cùng thời gian. Dưới chân sàn là quầy hàng trưng bày hàng thổ cẩm, lụa tơ tằm, túi thêu cỡ to, cỡ nhỏ. Các mế bày bán ẩm thực cơm lam, thịt nướng. Những cô gái Thái tươi rói xúng xính trong trang phục truyền thống vừa bán hàng lưu niệm vừa tranh thủ quay tơ dệt vải. 
 
Thung lũng Mai Châu. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN
 Thung lũng Mai Châu. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN

Chúng tôi vào thăm nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học dân gian Lò Cao Nhum, anh cắt nghĩa địa danh bản Lác quê hương anh, giờ đã thành một địa chỉ du lịch có tiếng trên thế giới: Từ thuở xa xưa lâu lắm rồi, người già trong bản cũng không nhớ nổi thời gian, khi ấy người đầu tiên đặt chân tới vùng đất này là cụ Chồ Lạc, cụ là người cương trực và thương người nên ông trời phú cho cụ sức khoẻ dẻo dai. Một hôm cụ cơm nắm cơm đùm vượt qua bao suối, bao khe...rồi một ngày cụ dừng chân và nhận ra rằng vùng đất dưới chân cụ đang đứng, phía Tây sừng sững hai dãy núi Pù Mười và Cha Luông như bức tường thành che chở, một bên có hai dòng suối lớn Tà Hè và Lài Khoài, đây là vùng đất màu mỡ tiện cho việc trồng cấy lúa nước, trồng bông dệt vải và trồng dâu nuôi tằm. Cụ Chồ Lạc đặt tên cho vùng đất mới là Lạc (tiếng Thái nghĩa là lạ, người đời sau vì không muốn nói chạm tới tên người khai sinh nên nói chệch là Lác). Mới đầu chỉ có vài nếp sàn dựng tạm còn đầy vết chân muông thú, càng về sau càng thêm sinh sôi, quần tụ đông vui đầm ấm như ngày nay. 

Thung lũng Mai Châu. Ảnh: Thanh Hà
Thung lũng Mai Châu. Ảnh: Thanh Hà

Cũng như các gia đình khác trong bản, nhà anh Lò Cao Nhum có ruộng cày cấy, có nghề dệt thổ cẩm, nhưng hàng chục năm nay nguồn thu nhập chính của gia đình chính là đón khách du lịch đến nghỉ ngơi, ăn uống tại gia đình. Anh chia sẻ: Điều hấp dẫn du khách đến với các bản làng vùng cao chính là văn hoá của mỗi dân tộc, đến với Mai Châu du khách được hoà đồng trong không gian văn hoá, cuộc sống thường nhật của người Thái. Đặc biệt là cùng gia chủ vít cong cần rượu trên nếp nhà sàn, nắm tay nhau nhún nhẩy bước chân múa xòe trong nhịp điệu cồng chiêng trầm bổng. 

Du khách nước ngoài hòa mình cùng điệu nhảy sạp đặc trưng của dân tộc Thái. Ảnh: Nguyễn Thủy - TTXVN
Du khách nước ngoài hòa mình cùng điệu nhảy sạp đặc trưng của dân tộc Thái. Ảnh: Nguyễn Thủy - TTXVN

Nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Hòa Bình, được núi non bao bọc, Mai Châu là mảnh đất hội tụ, giao lưu của nhiều dân tộc anh em sinh sống. Mai Châu hiện có 12 di tích, danh thắng, trong đó có 5 di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận đó là: Hang Khoài (Xăm Khòe), Hang Chiều (thị trấn Mai Châu), Hang Nhật, Hang Láng, Hang Mỏ Luông (Chiềng Châu). Ngoài ra, Mai Châu còn là địa phương lưu giữ kho tàng văn nghệ dân gian phong phú với những nét đặc trưng của dân tộc Thái, Mông qua các hoạt động của người xưa trong các lễ hội như: lễ hội “Cầu mưa”, lễ hội “Chá chiêng” của dân tộc Thái và lễ hội “Gầu tào” của dân tộc Mông. Với những đặc thù về địa lý và truyền thống văn hóa sẵn có, chính quyền huyện Mai Châu đã giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đồng thời khai thác tiềm năng du lịch khá hiệu quả. Đặc biệt là Mai Châu làm tốt công tác an ninh trật tự, không để xảy ra hiện tượng chèo kéo khách du lịch, để lại ấn tượng tốt trong lòng du khách trong và ngoài nước. 

Du khách nước ngoài thích thú với việc được trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Thái. Ảnh: Nguyễn Thủy - TTXVN
Du khách nước ngoài thích thú với việc được trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Thái. Ảnh: Nguyễn Thủy - TTXVN

Huyện Mai Châu hiện có 119 nhà nghỉ từ khách sạn 3 sao cho tới homestay, có các hộ Homestay được lắp biển đồng giải thưởng ASEAN giai đoạn 2016 – 2018. Trong năm 2016 toàn huyện đón 301.500 lượt khách, trong đó khách quốc tế là 112.000 lượt khách, nội địa là 189.500 khách, tổng doanh thu du lịch đạt trên 75 tỷ đồng. Lượng khách tới Mai Châu tương đối đông và rải đều vào các tháng trong năm, tập trung nhiều vào cuối tuần. Là địa phương sớm phát triển du lịch văn hóa dân tộc và du lịch sinh thái, khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện vùng cao Mai Châu đã lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch; thực hiện đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới. Hiện, các điểm du lịch nổi tiếng như bản Lác, Pom Coọng, bản Văn, bản Bước, Nà Phòn… đường xá đều được bê tông hóa, đi lại thuận tiện, sạch sẽ; nước sạch về đến từng nhà, hình thành hàng trăm nhà nghỉ cộng đồng. 

Nằm cách thị trấn Mai Châu trên 20 km, bản Bước, xã Xăm Khòe trước đây ở ven suối nguy hiểm, người dân còn nuôi nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn, nên không thể phát triển du lịch. Khi di chuyển dân từ xuối Xia lên khu đất cao, huyện Mai Châu đã đầu tư mặt bằng làm nhà, mỗi gia đình được cấp 400 m2 đất ở và gần 200 m2 đất vườn, làm đường giao thông, cấp điện, nước sinh hoạt về từng hộ gia đình. Trưởng bản Hà Văn Soái, cho biết: bộ mặt bản Bước hiện nay đã thay đổi nhiều, hơn 70 hộ, nhà nào cũng được dựng lại nhà sàn khang trang, theo quy hoạch chung của cả bản. Đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa với mặt đường rộng 3,5 m. Hiện, cả bản ngoài trồng, chăm sóc trên 300 ha rừng còn phát triển lúa, màu, chăn nuôi... gia đình nào cũng có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Nhờ ổn định nơi ăn, chốn ở, kinh tế của bản từng ngày phát triển, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Thái nên bản Bước đón nhiều đoàn khách du lịch đến tham quan. 

Là điểm sáng của du lịch tỉnh Hòa Bình, Mai Châu luôn được đánh giá là điểm đến thân thiện, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với du khách và thực sự trở thành điểm đến lý tưởng của du khách, đặc biệt là khách quốc tế ưa thích khám phá, trải nghiệm. Mai Châu đang có điều kiện cất cánh, đưa du lịch trở thành ngành mũi nhọn kinh tế của huyện. Chị Hà Thị Hoà, Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao huyện Mai Châu cho biết: Tháng 10/2016 huyện Mai Châu được UBND tỉnh phê duyệt quyết định quy hoạch phát triển điểm du lịch quốc gia đến năm 2030. Theo đó, Mai Châu sẽ phát triển du lịch trên diện tích 710 ha với 16 dự án kêu gọi đầu tư các khu du lịch, 12 dự án hỗ trợ phát triển du lịch. Hiện tại huyện đã thu hút được một số nhà đầu tư vào các dự án như Mai Châu Ecolodge, Sol Bungalows... và đang có một vài dự án du lịch sinh thái được triển khai tại xã Tân Mai, xã Noong Luông với tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng; khi hoàn thành hứa hẹn đây sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế với địa thế đẹp, hấp dẫn. 

Năm 2017, Mai Châu sẽ phát triển du lịch tập trung tại thị trấn Mai Châu, xã Chiềng Châu và mở rộng sang các xã lân cận gồm Tòng Đậu, Nà Phòn để kết nối và khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch. Đồng thời kêu gọi nhà đầu tư mở rộng tới các địa bàn như xã Phúc Sạn, Tân Dân, Tân Mai thuộc vùng hồ Hòa Bình có phong cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình. Để nâng cao chất lượng và hình ảnh du lịch, thời gian tới huyện Mai Châu sẽ tiếp tục hoàn thành quy chế quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn huyện. Xây dựng kế hoạch tổ chức phục dựng lễ hội “Gầu Tào” dân tộc Mông phục vụ cho hoạt động du lịch và bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc Mông. Tiếp tục đẩy mạnh, tuyên truyền quảng bá du lịch, đồng thời có những chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào du lịch. Đào tạo, bồi dưỡng những người làm công tác du lịch phục vụ phát triển du lịch bền vững; thực hiện các quy định về vệ sinh môi trường, văn minh trong du lịch, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng Mai Châu thành điểm đến an toàn và thân thiện, hấp dẫn với khách du lịch trong nước và quốc tế.
Nhan Sinh
TTXVN

Có thể bạn quan tâm