Làng văn hóa Lô Lô Chải - Điểm đến trên Cao nguyên đá Đồng Văn

Làng văn hóa Lô Lô Chải - Điểm đến trên Cao nguyên đá Đồng Văn
Bản Lô Lô Chải trong sương sớm. Ảnh TTXVN
Bản Lô Lô Chải trong sương sớm. Ảnh TTXVN

Anh Sìn Dỉ Gai, Trưởng thôn Lô Lô Chải cho biết: Hiện thôn có 96 hộ dân với 453 nhân khẩu, trong đó dân tộc Lô Lô có 86 hộ, với 371 người. Nằm ngay cạnh chân núi Rồng, phong cảnh ở Lô Lô Chải rất đẹp và hài hòa, gần thôn có một hồ nước tự nhiên rộng khoảng 2.000 m2. Đặc biệt, kiến trúc nhà cửa ở đây vẫn giữ nguyên vẹn được nét văn hóa truyền thống đó là nhà trình tường, mái lợp ngói máng. Với địa hình vùng cao đường xá đi lại khó khăn và khí hậu khắc nghiệt, nhất là vào mùa đông nên đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây sinh sống chủ yếu theo phương thức tự cung tự cấp bằng các nghề trồng ngô, lúa và rau màu. 

Đến với Lô Lô Chải, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng một bản làng tuyệt đẹp trên Cao nguyên đá Đồng Văn mà còn được đắm mình trong một không gian xanh nằm giữa vùng núi đá tai mèo sắc nhọn. Cùng với đó du khách được tận mắt chứng kiến phong cảnh sinh hoạt truyền thống của người dân tộc Lô Lô, dân tộc Mông, tham gia các lễ hội truyền thống của người Lô Lô như: lễ cúng thần rừng, lễ mừng lúa mới, lễ mừng nhà mới và đặc biệt là các điệu múa dân gian. Các làng nghề truyền thống như thêu, nghề làm ngói máng, nghề mộc vẫn được bà con nơi đây duy trì và phát triển. 

Anh Sìn Dỉ Gai cho biết thêm, các già làng ở Lô Lô Chải kể rằng, vào thời Tây Sơn vua Quang Trung đã đặt một chiếc trống đồng lớn để khi quân giặc tới xâm lăng thì có thể báo hiệu lệnh triệu quân tới. Trải qua nhiều thời gian cho tới ngày nay, trống đồng luôn được bà con dân tộc Lô Lô xem như một báu vật thiêng liêng mà cha ông truyền lại, là biểu tượng sức sống của dân tộc. Chiếc trống đồng có niên đại hàng trăm năm vẫn đang được lưu giữ tại đây. 

Không chỉ tham quan kiến trúc nhà ở, nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, mà đến với Lô Lô Chải du khách còn được dân bản mời uống nước chè, hút thuốc lào, thưởng thức những chén rượu ngô men lá truyền thống hay thưởng thức những món ẩm thực độc đáo. Đặc biệt, du khách đến với Lô Lô Chải còn được mặc thử, chiêm ngưỡng sự cần cù, chịu khó của người dân tộc Lô Lô trong việc may, thêu dệt công phu những bộ váy rực rỡ tuyệt đẹp. 

Mới đây, trong những ngày giữa trung tuần tháng 6/2017, Đoàn khảo sát đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch làng văn hóa đa trải nghiệm của Nhật Bản đã đi khảo sát tại Làng văn hóa Lô Lô Chải. Ông Tamaki Heritage, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tamaki Heritage cho biết: Chuyến trải nghiệm ở Làng văn hóa Lô Lô Chải thật tuyệt vời, phong cảnh hùng vĩ với những nét văn hóa đặc sắc... Đây chính là cơ hội, tiềm năng, thế mạnh lớn để Hà Giang phát triển du lịch. Lô Lô Chải được đầu tư xây dựng sẽ trở thành làng văn hóa du lịch hàng đầu cả nước với trải nghiệm văn hóa tạo ra phần lớn doanh thu (thay vì là homestay), đem lại lợi nhuận đầu tư tốt. 

Nhằm đưa Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, UBND tỉnh Hà Giang đã thỏa thuận với Công ty TNHH McKinsey&Company Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn. 

Cũng qua định hướng và tầm nhìn tích cực của Công ty Mckinsey&Việt Nam về làng Lô Lô Chải, ông Nguyễn Trung Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần chứng khoán Thiên Việt (nhà đầu tư) cho rằng: Để Lô Lô Chải trở thành làng văn hóa đa trải nghiệm, Công ty Cổ phần chứng khoán Thiên Việt rất mong sự quan tâm, ủng hộ tích cực của UBND tỉnh Hà Giang, cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự đồng thuận của đồng bào dân tộc thiểu số ở Làng văn hóa Lô Lô Chải. Khi dự án hoàn thành sẽ đưa Làng văn hóa Lô Lô Chải là điểm sáng về du lịch, thu hút các nhà đầu tư đến tham gia xây dựng đầu tư trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn. 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh, Hà Giang xác định phát triển du lịch là hướng đi có trọng tâm, trọng điểm. Năm 2017 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách tạo điều kiện để phát triển du lịch một cách đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng hạ tầng để khai thác tiềm năng phát triển du lịch; tăng cường đầu tư phát triển đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, các loại hình du lịch cộng đồng. 

Bà Hà Thị Minh Hạnh cũng mong muốn Công ty Mckinsey&Việt Nam, Tập đoàn Tamaki Heritage, Công ty Cổ phần chứng khoán Thiên Việt quan tâm, giúp đỡ Hà Giang phát triển du lịch nói chung và xây dựng để Làng văn hóa Lô Lô Chải trở thành làng văn hóa đa trải nghiệm trong tương lai, góp phần đưa ngành công nghiệp “không khói” của Hà Giang ngày càng phát triển. 
Minh Tâm
TTXVN

Có thể bạn quan tâm