Lần đầu tiên du lịch Thừa Thiên - Huế vượt mốc đón trên 1 triệu lượt khách trong 3 tháng đầu năm

Lần đầu tiên du lịch Thừa Thiên - Huế vượt mốc đón trên 1 triệu lượt khách trong 3 tháng đầu năm
Khách du lịch tham quan lăng Tự Đức, Huế. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN
Khách du lịch tham quan lăng Tự Đức, Huế. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN

Đáng chú ý là thời điểm đầu năm có nhiều lễ hội lại trùng với Tết Nguyên đán nên du khách đến với Huế rất đông. Chỉ tính trong 7 ngày nghỉ Tết, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã đón 117.000 lượt khách, trong đó có 47.000 lượt khách nước ngoài thăm hệ thống di tích Cố đô Huế, tăng 49,35% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài tổ chức phong phú các hoạt động vui Xuân ở Hoàng cung Huế, trong đó điểm nhấn là không gian tái hiện các trò chơi cung đình ngày Tết trong Hoàng cung triều Nguyễn xưa, như bài vụ, đổ xăm hường, đầu hồ, đối thơ, và trình diễn thư pháp… Trung tâm phối hợp với Vietravel tổ chức khánh thành và đưa vào hoạt động thử nghiệm hệ thống chiếu sáng nghệ thuật Kỳ đài và bắn súng thần công phục chế, tạo thành một điểm nhấn để thu hút du khách đến với Cố đô Huế nhất là vào ban đêm. Sau ngày 26/3 là ngày giải phóng Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã duy trì việc bắn súng thần công tại Kỳ Đài Huế vào các tối thứ Tư và tối thứ Bảy hàng tuần, mỗi lần bắn mỗi khẩu 9 phát để thu hút khách du lịch.
 
Khách du lịch tham quan Đại Nội, Huế bằng phương tiện xích lô. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN
Khách du lịch tham quan Đại Nội, Huế bằng phương tiện xích lô.
Ảnh: Quốc Việt - TTXVN

Năm 2018, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục khai thác tốt tour du lịch "Huế - một điểm đến 5 di sản" (gồm Quần thể Di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới) để thu hút khách tham quan. Điểm nhấn của Thừa Thiên - Huế trong năm nay là việc tổ chức Fesstival Huế 2018 diễn ra từ 27/4 đến 2/5 với nhiều chương trình đặc sắc hứa hẹn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tìm đến với Cố đô Huế. Đến thời điểm hiện nay, Fesstival Huế 2018 đã có 12 đoàn nghệ thuật và nhóm nghệ sĩ trong nước; 22 đoàn nghệ thuật quốc tế đến từ 19 quốc gia tham gia. 

Một số lễ hội, hoạt động "điểm nhấn" được dàn dựng mới, bố trí trải đều trong suốt thời gian diễn ra Festival, phục vụ đông đảo du khách, tiêu biểu như: Chương trình "Văn hiến kinh kỳ" do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố Đô Huế thực hiện trong các đêm 28/4 và 30/4, là chương trình sân khấu hóa tập trung các chủ đề tôn vinh những giá trị của một đất nước văn hiến, độc lập trong tiến trình lịch sử dân tộc, làm nổi bật 5 Di sản văn hóa thế giới. Chương trình được kỳ vọng sau Festival sẽ trở thành sản phẩm phục vụ du khách tham quan Đại Nội về đêm. Liên hoan "Hát văn và hát Chầu văn toàn quốc" được tổ chức nhằm tôn vinh, quảng bá các giá trị nghệ thuật của loại hình hát văn, hát chầu văn, hình thức lễ nhạc gắn liền với Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã được UNESCO công nhận là Di sản Phi vật thể đại diện của nhân loại, mà Thừa Thiên - Huế là đồng chủ sở hữu. 

Chương trình Fesstival Huế 2018 còn có các chương trình đặc sắc như Lễ hội đường phố "Sắc màu văn hoá", diễn ra vào lúc 16h00 các ngày từ 28/4 đến 1/5/2018. Khác với các kỳ Festival trước, lễ hội đường phố năm nay quy tụ đông đảo các đoàn nghệ thuật quốc tế, đồng thời sẽ mở rộng không gian biểu diễn trên nhiều tuyến đường khác nhau, diễn ra vào tất cả các buổi chiều trong thời gian Festival để công chúng được giao lưu với nghệ sĩ, hòa mình vào không khí lễ hội. Cùng với các chương trình được đầu tư dàn dựng công phu, Ban tổ chức Fesstival Huế 2018 sẽ tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị, cá nhân thực hiện các chương trình nghệ thuật theo hướng xã hội hóa, nhằm làm phong phú thêm các hoạt động thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân. 
 
Khách du lịch tham quan lăng Tự Đức, Huế. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN
Khách du lịch tham quan lăng Tự Đức, Huế. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN

Tiêu biểu như chương trình Âm nhạc Trịnh Công Sơn do gia đình cố nhạc sĩ tổ chức vào tối 28/4, qui tụ những ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng như ca sĩ Hồng Nhung, Lệ Quyên, Đức Tuấn, saxophone Trần Mạnh Tuấn, An Trần…; chương trình nghệ thuật Âm Vọng sông Hương là chương trình có lực lượng “diễn viên” chủ đạo là người dân sông nước Huế; hay chương trình “Tỏa sáng niềm tin” do chính tăng, ni, phật tử của Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức… 

Trong năm nay, nhiều dự án bảo tồn, tu bổ di tích quan trọng sẽ được triển khai như dự án bảo tồn, phục hồi điện Kiến Trung; dự án bảo tồn hệ thống tường và cổng Tử Cấm thành (giai đoạn 1); bảo tồn, tu bổ và phục hồi lăng Dục Đức (hạng mục Tẩm điện và lăng mộ); bảo quản, tu bổ tổng thể Triệu Miếu (giai đoạn 2)... góp phần phát huy giá trị hệ thống di tích Cố đô Huế trong việc đón khách du lịch. 

Năm 2018, ngành Du lịch Thừa Thiên – Huế phấn đấu đạt khoảng 4 – 4,2 triệu lượt khách, tăng khoảng 10 -12% so với năm 2017 (trong đó, khách quốc tế chiếm từ 40% - 45%); khách lưu trú đạt khoảng 2,1 - 2,2 triệu lượt, tăng khoảng 17-19% so với cùng kỳ. Dự kiến doanh thu du lịch sẽ tăng khoảng 15-16%, đạt khoảng 4.000 - 4.200 tỷ đồng.
Quốc Việt 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm