Du lịch Việt Nam

Khám phá vẻ đẹp vùng sơn cước Minh Hóa

Khám phá vẻ đẹp vùng sơn cước Minh Hóa
Con suối trước cửa hang Chuột, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa. Ảnh: Mạnh Thành - TTXVN
Con suối trước cửa hang Chuột, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa.
Ảnh: Mạnh Thành - TTXVN

Minh Hóa không chỉ có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên mà còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, di tích lịch sử nổi bật; nơi sinh sống, giao thoa văn hóa của đồng bào các dân tộc như Kinh, Chứt, Bru - Vân Kiều. Đặc biệt, nói đến Minh Hóa không thể không nhắc đến lễ hội Rằm tháng Ba - lễ hội lớn mang đậm bản sắc của địa phương.

Ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho hay, từ ngày 25 - 30/4/2018 (tức ngày 10-15/3 âm lịch), Tuần lễ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và lễ hội Rằm tháng Ba huyện Minh Hóa sẽ được tổ chức, nhằm bảo tồn, phát huy hiệu quả những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện.

Hồ nước Yên Phú, xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa. Ảnh: Mạnh Thành - TTXVN
Hồ nước Yên Phú, xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa. Ảnh: Mạnh Thành - TTXVN

Đến Tuần lễ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và lễ hội Rằm tháng Ba huyện Minh Hóa, du khách sẽ được trải nghiệm, khám phá và tìm hiểu nét văn hóa độc đáo qua chuỗi các hoạt động như: Lễ dâng hương tại thác Bụt (xã Yên Hóa); tổ chức các môn thể thao truyền thống và trò chơi dân gian (bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, cờ thẻ, đánh đu, ném xoang, cà kheo…); chương trình nghệ thuật với nhiều tiết mục độc đáo, mang đậm bản sắc của quê hương Minh Hóa.

Về sự tích thác Bụt, các bậc cao niên ở địa phương cho biết, xưa kia có ba anh em nhà nọ lên lèn Ông Ngoi tìm mật ong. Họ đi lạc vào một hang động, trong đó có các tượng Bụt bằng đá. Ba anh em mỗi người vác một tượng về. Đến thác Bụt họ xuống tắm. Nhưng khi vác tượng lên để trở về nhà thì họ không vác được nữa. Cố gắng hợp sức ba anh em mới vác được một tượng về đến Hói Chàm và đặt ở đó. Từ đó đến nay dòng thác mà ba anh em kia tắm và để tượng Bụt lại được gọi là thác Bụt. Mỗi năm, cứ đến lễ hội Rằm tháng Ba, người dân lại đến đây cúng Bụt cầu quốc thái dân an, mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và bình an, sức khỏe, may mắn, tài lộc đến với gia đình và mọi người…

Hang Chuột, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa. Ảnh: Mạnh Thành - TTXVN
Hang Chuột, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa. Ảnh: Mạnh Thành  - TTXVN

Phần hội của lễ hội có các hoạt động văn nghệ, thể thao, ẩm thực… mang đậm nét văn hóa đặc trưng của cư dân vùng sơn cước Minh Hóa; qua đó thể hiện khát vọng vươn lên của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.

Từ xa xưa, người dân Minh Hóa truyền nhau câu ca "Thà rằng đau ốm mà nằm/ Không ai nỡ bỏ chợ Rằm tháng Ba". Chợ Rằm tháng Ba là phiên chợ lớn nhất huyện Minh Hóa diễn ra vào sáng 15/3 âm lịch tại chợ Quy Đạt. Phiên chợ không chỉ là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa, sản vật đặc trưng của các dân tộc trên địa bàn huyện, mà còn là dịp để người dân và du khách tìm về cội nguồn, khám phá nét đẹp dân dã từ xa xưa.

Hiện nay, huyện Minh Hóa vẫn bảo tồn và lưu giữ được nhiều di tích lịch sử, địa danh nổi tiếng trong hai cuộc kháng chiến đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc như: Cổng trời, trận địa pháo Nguyễn Viết Xuân, cửa khẩu quốc tế Cha Lo, đèo Đá Đẽo, ngầm Khe Rinh, Khe Ve, Cà Tang, Đình Kim Bảng…

Thung lũng Chà Nòi nằm dưới chân núi Đá Đẽo. Ảnh: Mạnh Thành - TTXVN
Thung lũng Chà Nòi nằm dưới chân núi Đá Đẽo. Ảnh: Mạnh Thành  - TTXVN

Ngoài ra, nơi đây còn nổi tiếng với núi rừng hùng vĩ, thung lũng, sông suối, hang động tự nhiên kỳ vĩ, lung linh với Thác Mơ, Nước Tụng, Thác Bụt - Giếng Tiên, đặc biệt hệ thống hang động Tú Làn và khu vực hồ Yên Phú là những địa danh được đoàn làm phim Legendary Pictures (Hollywood) chọn để thực hiện những cảnh quay “đẹp đến ngỡ ngàng” của bộ phim bom tấn “Kong: Đảo Đầu lâu”…

Những năm qua, ngành Du lịch Minh Hóa cũng đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Ai đã từng đến với Minh Hóa, khám phá cảnh quan thiên nhiên, thưởng thức ẩm thực và dự lễ hội Rằm tháng Ba, dẫu chỉ một lần cũng sẽ không thể nào quên được mảnh đất rẻo cao này.
 
Võ Dung 

Có thể bạn quan tâm