Hiệu quả từ mô hình “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” ở Phú Yên

Hiệu quả từ mô hình “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”  ở Phú Yên
Từ phong trào này, đến nay các cấp Hội đã giúp đỡ 6.059 phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của toàn tỉnh từ 23,74% (năm 2011 theo tiêu chí cũ) xuống còn dưới 9,5% (năm 2015 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều). 

Bà Đặng Thị Hồng Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Yên cho biết: Hội đã tích cực tổ chức các lớp tập huấn kiến thức nghề ngắn hạn; tổ chức, khai thác và sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích các nguồn vốn tính dụng. Bên cạnh đó, Hội xây dựng các mô hình tổ phụ nữ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tạo điều kiện, hỗ trợ phụ nữ tham gia ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt chú trọng sản xuất sản phẩm an toàn và khâu tiêu thụ sản phẩm... Xác định hỗ trợ vốn là vấn đề quan trọng trong việc giúp đỡ chị em xóa đói giảm nghèo. Sau 5 năm (2011-2016) thực hiện, tổng nguồn vốn do các cấp Hội quản lý đạt gần 1,2 tỷ đồng, đã cho gần 50 nghìn lượt hộ vay vốn phát triển kinh tế. 
 
Chị Nguyễn Thị Kim Nguyên sử dụng vốn vay để chăn nuôi sản xuất tại gia đình.
 Chị Nguyễn Thị Kim Nguyên sử dụng vốn vay để chăn nuôi sản xuất tại gia đình.

Trước đây, gia đình chị Rơ CHăm H’Troanh ở xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa thuộc diện hộ nghèo. Được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo điều kiện cho chị vay vốn, phát triển kinh tế, giờ đây gia đình chị không những thoát nghèo mà còn trở thành hộ dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi tiêu biểu của tỉnh Phú Yên. Chị Rơ CHăm H’Troanh cho biết được hỗ trợ vốn vay, chị đầu tư 8 con bò lai cho sức kéo và sinh sản. Với 6 ha đất, chị canh tác sắn, mía, lúa thổ, mè và dưa lấy hạt. Hằng năm sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu lãi 170 triệu đồng. Chị còn giúp các chị em khác trong vùng làm kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt để cuộc sống ổn định hơn. 

Gia đình chị Nguyễn Thị Kim Nguyên ở khu phố Định Thắng 2, thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa là một trường hợp đặc biệt khác. Chồng mất sớm, gia đình đông con, chị phải làm thuê để mưu sinh và nuôi con ăn học. Từ khi tiếp cận được nguồn vốn vay của Hội Liên hiệp Phụ nữ, chị đã đầu tư nuôi heo nái và bò lai. Trừ chi phí, gia đình chị thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng mỗi năm. Cuộc sống gia đình ổn định hơn, chị có điều kiện để nuôi 6 người con ăn học. 

Bà Đặng Thị Hồng Nga cho biết thêm, ngoài giúp nhau phát triển kinh tế, các hội viên hội phụ nữ còn tích cực tham gia các phong trào như “5 không 3 sạch ”, “ bảo vệ môi trường ”. Từ hiệu quả của phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” có thể thấy rằng, vai trò của phụ nữ ở Phú Yên ngày càng được phát huy, góp phần tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tiêu chí giảm nghèo bền vững của địa phương./. 


 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm