Hải Dương khảo sát, tuyên truyền quảng bá du lịch huyện Thanh Hà

Hải Dương khảo sát, tuyên truyền quảng bá du lịch huyện Thanh Hà
Đoàn khảo sát đã đến 3 địa điểm tiêu biểu tại huyện Thanh Hà gồm: Chùa Đồng Ngọ thuộc thôn Cập Nhất, xã Tiền Tiến, huyện Thanh Hà; Chùa Minh Khánh, thôn Bình Hà, Thanh Hà và thăm cây vải tổ ở thôn Thuý Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà.

Hải Dương khảo sát, tuyên truyền quảng bá du lịch huyện Thanh Hà ảnh 1
Chùa Đồng Ngọ một trong những ngôi chùa cổ tại huyện Thanh Hà.
Ảnh: Hiền Anh-TTXVN
Chùa Đồng Ngọ là một trong hai ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Hải Dương. Chùa cách thành phố Hải Dương về phía đông khoảng 7km. Công trình kiến trúc độc đáo nhất của chùa là nhà phẩm nơi lưu giữ tòa cửu phẩm liên hoa dựng vào năm Chính Hòa thứ 13 (1692), tòa cửu phẩm liên hoa do Hòa thượng Thích Chân Nguyên khởi xướng xây dựng hiện còn bia “Kiến khai cửu phẩm liên hoa bi ký”.

Chùa Minh Khánh (Chùa Hương Đại) một di tích lịch sử Quốc gia,có từ thời Lý đến cuối thế kỷ 13. Chùa Minh Khánh gắn liền với tên tuổi vị vua anh minh Trần Nhân Tông nhà tu hành đắc đạo, là vị sơ tổ đầu tiên của thiền phái Trúc Lâm Việt Nam (Trúc lâm tam tổ). Chùa còn lưu 9 hạt màu đen có lỗ xỏ như tràng hạt của nhà sư, được bảo lưu trong một hộp rất trang trọng, tương truyền đó là 9 hạt xá lỵ của Trần Nhân Tông.

Hải Dương khảo sát, tuyên truyền quảng bá du lịch huyện Thanh Hà ảnh 2
Vải đặc sản trồng tại huyện Thanh Hà có tiềm năng thu hút khách du lịch theo mùa. Ảnh: Hiền Anh-TTXVN

Cây vải tổ là điểm nhấn cho hành trình. Cây vải thiều tổ đã có từ cách đây gần 200 năm, tạo sức thu hút nhiều khách du lịch về với quê hương vải thiều Thanh Hà. Theo các tài liệu cổ thì cây vải thiều do cụ Hoàng Văn Cơm (tên tự là Phúc Thành), sinh ngày 10/5/1848 (Tự Đức năm thứ nhất) trong một lần đi dự tiệc tại Hải Phòng vào năm 1870, được ăn loại vải ngon nên đã đem 3 hạt về gieo trồng ở vườn nhà. Cả 3 hạt cụ mang về đều nẩy mầm, thành cây, ra hoa, kết quả, trong đó có một cây cho quả có hương vị thơm ngon đặc biệt. Từ cây vải ngon này, cụ Cơm đã chiết cành và nhân rộng ra trong vườn nhà mình và các vườn quanh vùng.

Hải Dương khảo sát, tuyên truyền quảng bá du lịch huyện Thanh Hà ảnh 3
Cây vải tổ hơn 200 năm tuổi tại xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà.
Ảnh: Hiền Anh-TTXVN

Vải Thúy Lâm vốn ngon nổi tiếng với câu "cau Phù Tải, vải Thúy Lâm". Vải thiều Thúy Lâm có đặc trưng hạt nhỏ, cùi dày, ăn ngọt lịm như đường, có tác dụng bồi bổ cơ thể. Vải thiều Thúy Lâm cũng là giống cây ăn quả đứng đầu về tuổi thọ, chất lượng, năng suất. Năm 1992, Trung ương Hội làm vườn Việt Nam đã truy tặng Bằng khen kèm theo Bia ký cho cụ Hoàng Văn Cơm, người có công trồng cây vải tổ và được dân trong vùng tôn là ông tổ vải thiều Thúy Lâm. Vải thiều Thanh Hà có nét đặc trưng riêng so với các vùng trồng vải khác như: Vải khi chín vỏ mỏng, gai lì, lớp vỏ lụa dai, hạt nhỏ, có độ giòn của cùi, cùi vải róc, khi bóc không bị chảy nước, ăn có cảm giác giòn, ngọt mát...

Từ năm 1992, huyện Thanh Hà đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa diện tích vải thiều của huyện từ trên 1.000 ha lên 3.927 ha/6.476 ha cây ăn quả trên địa bàn; sản lượng vải năm hàng năm đạt hàng chục nghìn tấn.

Hải Dương khảo sát, tuyên truyền quảng bá du lịch huyện Thanh Hà ảnh 4
Chùa Minh Khánh huyện Thanh Hà, Di tích lịch sử Quốc gia.
Ảnh: Hiền Anh-TTXVN

Chương trình khảo sát lần này nhằm khảo sát, đánh giá một số điểm du lịch mới của Hải Dương để liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng xây dựng các tour, tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng; đồng thời tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch tiêu biểu của tỉnh đến với các hàng lữ hành, du khách trong và ngoài nước. Trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục tổ chức nhiều chương trình khảo sát tại các huyện, qua đó tạo dựng thương hiệu cho du lịch tỉnh Hải Dương.
 
Hiền Anh (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm