Hải Dương bứt phá về giao thông đưa kinh tế nông thôn “cất cánh”

Hải Dương bứt phá về giao thông đưa kinh tế nông thôn “cất cánh”
* Tận dụng nhiều nguồn lực 

Khoảng 10 năm trở về trước, việc đi lại của người dân xã Thanh Bính (huyện Thanh Hà) rất khó khăn. Thanh Bính khi đó là 1 trong 6 xã đảo của huyện, ngăn cách với các vùng còn lại của Thanh Hà bởi con sông Gùa. Lúc bấy giờ, đường sá hầu hết chỉ là đường đất, nhỏ hẹp. Muốn đi trung tâm huyện và sang các huyện khác, người dân đều phải chật vật qua đò. 

Một đoạn đường nội đồng ra vườn vải ở xã Thanh Bính. Ảnh: Mạnh Minh - TTXVN
Một đoạn đường nội đồng ra vườn vải ở xã Thanh Bính. Ảnh: Mạnh Minh - TTXVN

Ông Nguyễn Đức Lục (thôn Mạnh Tiến, xã Thanh Bính) còn nhớ: “Trước kia, chưa có cầu nên phải đi đò. Thế mới có câu “Nếu ai qua bến đò Gùa, nhớ mang rổ rá, nồi niêu đi cùng”. Ý là phải chờ đò rất lâu. Cũng vì chưa có cầu nên việc thu hoạch vải rất khó khăn. Trồng được quả vải đã vất vả, bán được lại càng khó khăn hơn. Xe tải không qua được đò, đến vụ thu hoạch, nhà nào nhà nấy muốn bán vải, phải có người đưa hàng qua đò cho thương lái. Đã thế còn bị ép giá, khổ lắm!”. 

Từ một xuất phát điểm rất thấp về giao thông, tuy nhiên, hiện nay, Thanh Hà đã thực sự đổi khác với mạng lưới giao thông đường bộ của Thanh Hà được nâng cấp, mở rộng. Nếu như năm 1997, toàn huyện chỉ có 1,1 km đường nhựa và 16,1 km đường giao thông nông thôn được bê tông và lát gạch thì đến nay, tỷ lệ bê tông hóa, nhựa hóa đường giao thông nông thôn của Thanh Hà đã đạt 78%, trong đó, đường xã đạt 93%, đường thôn đạt 96%, đường ra đồng đã có 37%, đường nội đồng có 30% chiều dài được bê tông hóa, 27 km trong tổng số 69 km đường đê đã được bê tông hóa. Nhiều công trình giao thông lớn được xây dựng như: cầu Hương (năm 2003), cầu Hợp Thanh (năm 2010). Tiếp đó, đầu năm 2014, nút giao lập thể tại điểm giao cắt giữa đường sắt Hà Nội - Hải Phòng – Quốc lộ 5 và đường nối tỉnh lộ 390 của huyện cũng được đưa vào sử dụng. 

Cầu Hợp Thanh hoàn thành nối liên 6 xã khu đảo với trung tâm huyện, tạo bước ngoặt trong phát triển kinh tế - xã hội cho Thanh Hà. Ảnh: Mạnh Minh - TTXVN
Cầu Hợp Thanh hoàn thành nối liên 6 xã khu đảo với trung tâm huyện, tạo bước ngoặt trong phát triển kinh tế - xã hội cho Thanh Hà. Ảnh: Mạnh Minh - TTXVN

Để có được những thành quả này, Thanh Hà đã linh hoạt tận dụng nhiều nguồn lực trong triển khai xây dựng các công trình giao thông. Tại xã Thanh Bính, việc xây dựng, sửa chữa, nâng cấp đường được xem là một nội dung thường xuyên được quan tâm. Xã rất tích cực tuyên truyền vận động nhân dân hiến đất, hiến công, góp tiền của xây dựng, mở rộng các tuyến đường. Cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, sự đóng góp của nhân dân, chỉ tính riêng từ 2010 đến nay, xã xây dựng được trên 15km đường nông thôn. 

Ông Nguyễn Đức Tuấn, Bí thư huyện ủy Thanh Hà cho biết: “Để giải bài toán về giao thông, huyện đã trăn trở, tìm cách huy động mọi nguồn lực. Cách làm của chúng tôi là phân loại các tuyến đường. Với những tuyến đường liên thôn thì đẩy mạnh xã hội hóa, với đường do huyện quản lý, huyện chủ động khai thác và tận dụng chủ trương thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia. Với các tuyến do tỉnh quản lý thì huyện chủ động đề xuất với tỉnh cho cơ chế để đầu tư cho các tuyến này”. 

* Tăng trưởng vượt bậc về kinh tế 

Giao thông bứt phá đã thúc đẩy kinh tế Thanh Hà phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Theo ông Nguyễn Đức Lục, giờ đây người trồng vải đã yên tâm sản xuất, mùa thu hoạch thì xe thương lái thu mua về được tận nơi. Ông Lê Văn Đạo, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Bính cũng khẳng định: “Nhiều tuyến đường của xã, thôn, xóm khang trang, sạch đẹp, đi lại dễ dàng, nhân dân rất phấn khởi. Hệ thống giao thông hoàn thiện, việc đi lại, sản xuất, tiêu thụ vải của bà con nhân dân thuận tiện hơn”. 

Là huyện có tiềm năng về nông nghiệp với nhiều loại cây ăn quả đặc sản như vải thiều, ổi, bưởi, quất, chuối…, khi nút thắt về giao thông được tháo gỡ, nông sản Thanh Hà đã vươn xa. Quả vải Thanh Hà giờ đây không chỉ đi nhiều tỉnh thành trong cả nước mà còn xuất khẩu. Đến nay, quả vải Thanh Hà đã được có mặt tại những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Australia. Năm 2016, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 1.645 tỷ đồng. Giá trị sản xuất trên mỗi hecta đất trồng trọt và nuôi thủy sản đạt 132 triệu đồng. 

Bên cạnh đó, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề của huyện này cũng mở mang. Hiện nay, Thanh Hà đã có 2 làng nghề, có trên 2.000 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho trên 1 vạn lao động. Địa phương cũng thu hút được một số doanh nghiệp nước ngoài đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng quy mô như Công ty TNHH may Makalot, Vietory. Giá trị ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng từ mức 176 tỷ đồng (năm 1997) đã đạt 1.800 tỷ đồng vào năm 2016. 

Một đoạn trên tuyến đường tỉnh 390 đi qua Thanh Hà dự kiến được mở rộng trong năm nay. Ảnh: Mạnh Minh - TTXVN
Một đoạn trên tuyến đường tỉnh 390 đi qua Thanh Hà dự kiến được mở rộng trong năm nay. Ảnh: Mạnh Minh - TTXVN

Các dịch vụ vận tải cũng phát triển hơn, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, góp phần mở mang giao thương cho Thanh Hà với nhiều địa phương khác. Hiện nay có 2 tuyến xe buýt Thanh Hà- Hải Dương cùng nhiều hãng xe khách, taxi kết nối Thanh Hà với nhiều địa phương khác trong và ngoài tỉnh, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. 

Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển hiện tại, hạ tầng giao thông Thanh Hà vẫn còn nhiều bất cập. Có thể nhận thấy rõ, một số đoạn của tuyến đường tỉnh 390 còn nhỏ hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa, đặc biệt là đợt cao điểm thu hoạch vải thiều. 

Thêm vào đó, tình trạng cách trở đò, phà giữa Thanh Hà với Hải Phòng, với huyện Tứ Kỳ và Kim Thành vẫn còn tồn tại. Một số điểm giao cắt giữa đường tỉnh đi qua Thanh Hà với đường quốc lộ còn hẹp, là nguyên nhân dẫn đến tắc đường hoặc tai nạn giao thông. Đây chính là những điểm nghẽn khiến vùng đất nhiều tiềm năng cả về kinh tế và văn hóa này chưa phát huy được thế mạnh. 

Đứng trước những cơ hội phát triển trong giai đoạn mới, việc cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện hơn nữa giao thông nông thôn vẫn là một trong những mục tiêu trọng tâm của Thanh Hà hiện nay. Trước mắt, huyện đã có kế hoạch mở rộng một phần đường tỉnh 390 và dự kiến triển khai trong năm 2017. 

Đường liên thôn ở xã Thanh Bính. Ảnh: Mạnh Minh - TTXVN
Đường liên thôn ở xã Thanh Bính. Ảnh: Mạnh Minh - TTXVN

Theo ông Nguyễn Đức Tuấn, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án Phát triển giao thông nông thôn. Huyện sẽ tranh thủ sự ủng hộ của tỉnh, khai thác các nguồn vốn Trung ương để kết nối Thanh Hà với các vùng khác trong tỉnh Hải Dương và các trung tâm kinh tế của vùng Bắc Bộ. 

“Chúng tôi cũng đề nghị với tỉnh có giải pháp sớm nghiên cứu, triển khai xây dựng cầu Quang Thanh nối Thanh Hà với Hải Phòng và quan tâm tạo điều kiện xây dựng cầu nối Thanh Hà với thành phố Hải Dương, cầu nối Thanh Hà với huyện Tứ Kỳ. Có được 3 cây cầu này, tin chắc rằng Thanh Hà sẽ cất cánh”, ông Tuấn tin tưởng./. 
Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm